“Lên đường khi Tổ quốc cần!”

ANTĐ - Mỗi khi hai tiếng Trường Sa được gợi đến trong tôi lại vang lên những ca từ hòa cùng giai điệu hào hùng: “Phía xa xa chân trời nghìn trùng sóng gió, có những con người thay chúng ta đang vượt qua ngọn sóng vươn tới chân trời, giữ lấy nơi biên cương chưa bình yên của mọi người. Ngoài kia không có Ngọc Lan, không tiếng chim hót ngày nắng hồng, không hẹn hò và không đón đưa, những trưa chiều về không tiếng hát, chỉ có gió sương trên cánh tay những người tuổi trẻ đang kề bên nhau vì non sông mãi yên bình…”. 

Và lần này cũng vậy, tôi đã nghe lại rất nhiều lần ca khúc “Nơi ấy là Trường Sa” của tác giả Xuân Nghĩa trước khi đặt bút kể lại câu chuyện của Trung úy Nguyễn Quang (SN 1986), nguyên Trợ lý Hóa học tại đảo Sơn Ca đã gửi lại tổ ấm mới được vun đắp được tính bằng ngày để trở lại nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ Tổ quốc như một sứ mệnh thiêng liêng. 

1. 7 năm yêu nhau, chẳng có cái kết nào hạnh phúc hơn là một đám cưới viên mãn vào ngày 18-5-2014 vừa qua. Đó là câu chuyện của anh - Trung úy Nguyễn Quang (SN 1986) và vợ - chị Nguyễn Huyền Thương. 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày tận hưởng hạnh phúc êm đềm trôi qua đến ngày thứ 4, anh đã phải nói lời từ biệt chị để lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Trong ngôi nhà nhỏ của Trung úy Nguyễn Quang ở xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội những chữ song hỷ, những vòng hoa kết hình trái tim biểu tượng cho hạnh phúc đôi lứa vẫn còn nguyên vẹn, tươi mới trang trọng treo trên tường. “Bản thân tôi cũng vừa lấy vợ xong, hoàn cảnh vợ cũng rất khó khăn về cả công việc lẫn gia đình, nhà ngoại lại ở xa nên có rất nhiều việc phải lo toan nhưng trong tình hình Biển Đông đang căng thẳng như hiện tại thì vượt lên trên tất cả, tạm gác  tình cảm của gia đình, tình cảm của hàng xóm thì tình cảm với đất nước lúc nào cũng mạnh mẽ bao trùm hơn tất thảy. Ngày cưới vợ trong đầu tôi vẫn đau đáu lo cho công việc của anh em ở ngoài đảo, chúng tôi sống, sát cánh chiến đấu với nhau ở ngoài đảo rất lâu rồi nên khác nào tình cảm anh em ruột thịt trong nhà, nên không thể nào rời khỏi tâm trí được” - Trung úy Nguyễn Quang chia sẻ - “Những lúc này hạnh phúc riêng của mình phải tạm gác sang một bên, tất cả vì tinh thần yêu nước chung của tất cả chiến sỹ hải quân. Giây phút ấy tôi rất háo hức chờ đợi thời khắc lên đường, cống hiến cho đất nước, bảo vệ biển đảo quê hương”. 

Thực tế, 10 năm được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, Trung úy Nguyễn Quang nói mình đủ bản lĩnh để biết tình hình hiện tại diễn biến như thế nào. Mỗi lần nghe thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng cập nhật tình hình Biển Đông, trong người anh lại sục sôi tình yêu nước mãnh liệt. “Nghỉ phép nhưng trong lòng không yên, ngay cả trong giờ khắc hạnh phúc nhất của cuộc đời, tiếng sóng biển, lời nói của đồng đội vẫn vang dội trong trái tim tôi - một người lính Trường Sa” - anh Quang tâm sự - “Tình yêu nước lớn lắm, dạt dào lắm, chỉ muốn được đi ngay lập tức, dẫu có tình huống gì xấu nhất cũng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc”. 

2. “Gia đình tôi rất hoàn cảnh, bố mẹ cũng có tuổi rồi, công việc cũng nặng nhọc vất vả, bản thân tôi cũng là con cả trong gia đình, lẽ ra là ở nhà lo toan gánh vác mọi công việc trong nhà nhưng tôi là một quân nhân, tình hình Biển Đông lại đang căng thẳng nên sẵn sàng gạt bỏ chuyện riêng tư chỉ mong sao lên đường để hoàn thành tốt nhiệm vụ để bố mẹ ở nhà phấn khởi, yên tâm”, lời nói này của Trung úy Nguyễn Quang được minh chứng rõ ràng nhất khi ghé thăm nhà anh để lắng nghe câu chuyện hậu phương của anh chia sẻ. Bà Đắc Thị Thương, mẹ của Trung úy Nguyễn Quang với rất nhiều những tâm sự đã phải dồn nén lại phía sau những giọt nước mắt chảy ngầm để con mình an tâm thực hiện nhiệm vụ. Bà Thương thâm sự: “Là mẹ thì ai cũng nhớ và thương con. Ngày con ra đảo, 7 ngày 7 đêm sau đó gọi điện cho con nhưng chẳng thể nào liên lạc được, nuốt nước mắt vào trong, cầu cho con và đồng đội của con được bình an là mừng lắm rồi. Rồi đến 5h sáng ngày thứ 8 mới gọi được cho con thì biết ngoài đó bão to không có sóng mà tôi không dám khóc, không dám nói với con rằng cả tuần qua mẹ không ăn không ngủ được con có biết không (?!) Mỗi lần nhớ con tôi lại mở tivi ra xem, nhìn thấy những bộ quân phục là tôi lại mừng như được nhìn thấy chính con trai mình, mỗi thông tin về Biển Đông “dịu sóng” tôi lại yên tâm hơn. Tất cả vì sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của con mà tôi cố phải kìm lại cảm xúc để động viên tinh thần con”…  

Còn với ông Nguyễn Tuyên, bố của Trung úy Nguyễn Quang cũng không ít lần phải giữ cho mình không rơi nước mắt để con vững tâm lên đường làm nhiệm vụ. Ông tâm sự: “Tôi đã nói và động viên con rất nhiều lần rằng phải cố gắng bảo vệ Tổ quốc, không được nản lòng, không được để tình cảm riêng lấn át, khi đất nước cần con phải lên đường bảo vệ Tổ quốc!”. Giờ trong ngôi nhà nhỏ ấy, tổ ấm trong căn phòng hạnh phúc mà vợ chồng Trung úy Quang vừa vun đắp được ít ngày đã vắng bóng anh. Ngày anh đi, chị Nguyễn Huyền Thương chỉ lặng yên ngồi đó nhìn anh vội vã thu xếp hành trang quay trở lại đơn vị công tác bởi chị biết - hiểu và chấp nhận hy sinh hạnh phúc dù chưa nở hoa được bao lâu để tiếp thêm ý chí cho anh chứ không bi lụy khi phải tạm chia xa: Vì nhiệm vụ thiêng liêng của người lính Trường Sa bảo vệ Tổ quốc, anh phải chắc tay súng, anh phải chia tay người vợ trẻ, chia tay gia đình, người thân, bà con hàng xóm… 

3. “Tình yêu đất nước vô cùng thiêng liêng nên khi Tổ quốc cần, tôi sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Tôi và đồng đội vượt qua mọi gian khổ chỉ mong góp phần cùng nhân dân cả nước giữ được vùng biển của Tổ quốc và hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho”. Giữ cho mình nét cương nghị nhưng đầy nhiệt huyết của người lính hải quân, Trung úy Nguyễn Quang chia sẻ: “Tôi không sao quên được hình ảnh đoàn kết dân tộc, đặc biệt là hình ảnh các cụ ông, cụ bà cao tuổi nhưng vẫn giơ cao khẩu hiệu một lòng bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Với những người cao tuổi họ vẫn dạt dào tình yêu quê hương, đất nước nên không cớ gì những người trẻ - những người chủ tương lai của đất nước lại không thể chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc”. 

Từ câu chuyện của Trung úy Nguyễn Quang, tôi chợt nhớ đến câu chuyện mà đồng nghiệp của tôi tại Báo An ninh Thủ đô, phóng viên Ngân Tuyền mới ra thăm Trường Sa kể về những người lính Thủ đô trên đảo Trường Sa. Đã có không ít người lính cũng tạm gác lại hạnh phúc cá nhân giống Trung úy Nguyễn Quang sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ. Ở đó có Thiếu úy Nguyễn Viết Tưởng (SN 1983), ở xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đã 11 năm là người lính Hải quân Trường Sa, lần lượt qua 6 đảo, hiện đang thực hiện nhiệm vụ ở đảo Thuyền Chài B canh giữ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 2011, Thiếu úy Nguyễn Viết Tưởng xây dựng gia đình với cô giáo Thủy hiện đang công tác tại trường Mầm non Đông Sơn, Chương Mỹ. Nhưng chỉ 1 tháng sau ngày cưới, người lính trẻ Trường Sa này đã lên đường làm nhiệm vụ. Tháng 9-2012, vợ sinh con trai đầu lòng, nhưng phải 10 tháng sau Thiếu úy Nguyễn Viết Tưởng mới được về thăm gia đình và gặp mặt con. Thiếu úy Nguyễn Viết Tưởng nhớ lại: “Lúc tôi xuống tàu, cả gia đình và vợ con ra tận ga Hà Nội để đón. Gặp lại bố mẹ, vợ và nhất là cậu con trai 10 tháng tuổi, tôi không nói được gì, niềm vui không thể diễn tả bằng lời”. Ở nhà với con được 1 tháng, anh lại lên đường nhận nhiệm vụ tại đảo Thuyền Chài B, cho đến nay, con đã bi bô biết gọi bố nhưng vì nhiệm vụ, anh chưa thể về thăm gia đình, thăm con!... 

Hay còn đó câu chuyện của chiến sỹ Trương Trường Quang, Chủ nhiệm Quân y Cảnh sát Biển Vùng 2 ngày 12-5 vừa qua đã lên đường nhận nhiệm vụ ở Hoàng Sa nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép dù ngày cưới của anh với chị Võ Thị Diệu Thảo, hiện đang công tác tại trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã đến thật gần. Người vợ ấy dù có chút chạnh lòng nhưng thấu hiểu công việc và tự hào về anh bởi không thể vì hạnh phúc cá nhân để phải xao nhãng nhiệm vụ thiêng liêng. Mọi việc chuẩn bị cho đám cưới vẫn được tiến hành, anh Quang nhờ cả ở hậu phương tương lai của mình, và anh chị đã xác định với nhau rằng nếu anh không về kịp thì đám cưới vẫn cứ diễn ra... Giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng, họ - những người lính Trường Sa, Hoàng Sa còn rất trẻ, còn đó nguyên vẹn sự mơ mộng, lãng mạn của tuổi trẻ; họ cũng yêu, những tình yêu đôi lứa mãnh liệt, nhưng khi Tổ quốc cần, họ đều sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng vững tin lên đường vượt qua mọi thử thách, khó khăn gian khổ nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc bởi khi ấy tình yêu lớn nhất với họ chính là Tổ quốc, là biển đảo quê hương. Các anh hãy vững tay súng bảo vệ đất nước, vì quê nhà luôn có những hậu phương vững chắc, sau lưng các anh có chúng tôi - hơn 90 triệu nhân dân trong đất liền luôn hướng về biển đảo sẽ “tiếp lửa” và cùng đồng hành với các anh. “Trường Sa, mảnh đất quê hương nơi giữa muôn trùng từng bão giông gió mưa mịt mùng, mà vẫn luôn sáng nơi chân trời, cùng với bao chàng trai ra nơi ấy, ngăn sóng gió biên thùy, nơi ấy là Trường Sa. Trường Sa... bài hát cho anh chưa viết nên lời, mà tiếng ca đang vang lên rồi, từ trái tim biết bao con người cùng hướng ra ngoài khơi xa nơi mênh mông đó, nơi có những con người, đang sống vì Trường Sa”. Tôi tin, những câu hát này sẽ còn vang mãi cùng với tình yêu quê hương đất nước, yêu Trường Sa, Hoàng Sa, mến yêu các anh luôn sâu đậm trong trái tim mỗi người Việt Nam.