"Lên chùa bẻ một cành sen"

ANTD.VN - Hôm trước, tôi ngồi nói chuyện với một cậu em, cậu ấy bảo, không hiểu vì sao giờ người ta lại tin vào thánh thần nhiều thế, đền chùa nào cũng đông nghịt, hay là niềm tin tôn giáo đã biến thái quá rồi? Tôi thì không nghĩ rằng họ tin nhiều đến thế, tôi cũng không nghĩ rằng niềm tin tôn giáo đã biến thái quá rồi. Tôi nghĩ không phải tự nhiên các cụ lại hát rằng “Lên chùa bẻ một cành sen…”.

Đi chùa, lễ hội đầu năm vốn là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt

Việc đi lễ đền, chùa từ xưa đến nay, thực ra vẫn mang tính giải trí, là trẩy hội chứ không hẳn là chuyện khấn cầu. Vì thế, đền chùa nào ở nơi sơn thủy hữu tình thì nhiều người muốn đến. Nhưng xưa kia, những nơi sơn thủy hữu tình thì đi lại cũng khó khăn, nên không xô bồ hỗn loạn bởi “tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa”. Giờ, tiền đò rẻ hơn mua vé xem một bộ phim tại CGV, đường thì dễ đi, lại còn có cáp treo nữa. 

Đi lễ đầu năm, vốn là trẩy hội, rồi thì có thờ có thiêng, có kiêng có lành mà nhân đó lễ lạt. Ban đầu là hương hoa, sau rồi sự ganh đua của người đi hội tạo cơ hội cho lòng tham của những người thực hành tôn giáo ở đền chùa, rồi hai thói xấu đó tương tác với nhau mà việc lễ bái mỗi ngày thêm đa sự. Đó không phải tín ngưỡng, đó là một phản xạ, một thói quen hình thành từ nhu cầu tự thân được thúc đẩy bởi điều kiện phù hợp.

Bạn bè tôi có những người rất chăm, đền chùa phủ miếu đi quanh năm. Nhưng cũng rất tự nhiên, rất rõ ràng, họ vẫn viết chữ “không” vào mục tôn giáo trong bản lý lịch tự khai. Nếu có một niềm tin tôn giáo, nếu biết sợ thánh thần, họ sẽ chẳng thể nào nói “không” như thế.

Không phải bởi niềm tin tôn giáo hay nỗi sợ thánh thần, vậy thì điều gì dẫn người ta lao vào những đám đông cuồng nhiệt khấn vái nơi miếu mạo đền chùa? Thực ra câu chuyện này cũng giống như việc nhiều người mua xổ số hàng ngày, như những đám đông tranh nhau ăn buffet miễn phí, hò hét nhau hôi của từ vụ lật xe đường quốc lộ, hoặc trèo rào vào công viên nước… Quá nhiều người trong chúng ta đặc biệt ham thích những món quà từ trên trời rơi xuống, một thứ khoái cảm mơ hồ nhưng tha thiết đối với vận may.

Trước Tết, một doanh nhân quen biết mang tặng tôi chai rượu quý. Đùa vui hỏi sao bỗng dưng lại có quà đắt tiền như thế, anh ta cười, bảo: Cảm ơn cậu vì hôm trước bị cảnh sát giao thông thổi phạt lỗi sai làn, dừng xe xuống nói chuyện, hóa ra anh cảnh sát đó quen cậu nên tớ không bị phạt, “may thế!”. Lỗi sai làn của anh ta, mức phạt chưa bằng 1% giá chai rượu mà anh tặng tôi, nhưng anh ta vui vì cảm giác may mắn. Vận may khiến anh ta cảm thấy mình đặc biệt hơn so với những người khác, điều mà tiền bạc, sự nghiệp thành công không tạo nên sự đặc biệt của anh ta.

Đi lễ tìm vận may, cũng giống như chơi xổ số, nó không xuất phát từ niềm tin tôn giáo hay thánh thần, mà từ tâm niệm là mua được niềm hy vọng giá rẻ, vài chục nghìn mua xổ số hay chút tiền công đức kiểu “giọt dầu đèn hương”. Và, cũng giống như xổ số, lễ bái cũng gây nghiện, cũng thành một thói quen ngấm lúc nào không biết.

Có nhiều người đi lễ mua cảm giác may mắn, nhưng cũng có người mua sự an lòng để sống tiếp trong cuộc đời có quá nhiều bất trắc. Khi mà người ta có thể bị tai nạn giao thông bất cứ lúc nào, có thể ung thư vì thức ăn hàng ngày không thể kiểm soát, đời sống vô minh sẽ tạo nên những niềm tin vô minh và người ta bỏ công sức tiền bạc ra lễ bái để đánh lừa tâm trạng. Cuộc sống trần thế có quá nhiều âu lo, bất trắc sẽ mang tới cơ hội cho các loại mượn danh ma quỷ và thánh thần.

Lễ bái đầu năm sẽ vẫn là như thế, sẽ tệ dần hơn theo thời gian, khi mà đời sống tinh thần của con người mỗi ngày một nghèo nàn hơn và những nỗi lo âu đầy thêm mỗi ngày.   

Nhà báo Phạm Trung Tuyến

Tin đọc nhiều