Lebanon quay cuồng trước nạn khan hiếm thuốc chữa bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Hiện nay, các loại thuốc trị bệnh, từ tiểu đường, huyết áp đến thuốc chống trầm cảm hay hạ sốt được sử dụng trong điều trị Covid-19 đã biến mất khỏi các kệ hàng trên khắp Lebanon. Đây là giai đoạn mới nhất trong sự sụp đổ kinh tế của đất nước 5 triệu dân này, dù Lebanon từng là trung tâm khu vực về ngân hàng, bất động sản và dịch vụ y tế.

Người Lebanon hiện đang lùng sục khắp nơi để mua thuốc thiết yếu

Người Lebanon hiện đang lùng sục khắp nơi để mua thuốc thiết yếu

Hoảng loạn mua thuốc tích trữ

Người Lebanon hiện đang lùng sục khắp đất nước và cả nước ngoài để tìm những loại thuốc quan trọng. Họ cầu xin trên mạng xã hội hoặc sang nước láng giềng Syria. Là y tá tại bệnh viện Beirut, nhưng Rita Harb vẫn không thể tìm thấy thuốc trợ tim cho ông mình. Cô đã tìm kiếm các hiệu thuốc trên khắp Lebanon, nhờ các bác sĩ quen biết, gọi cho bạn bè ở nước ngoài và dù có đủ tiền trả nhưng vẫn không mua được thuốc. Để có thuốc dùng, người ông 85 tuổi của Rita Harb dùng nhiều viên thuốc có nồng độ nhỏ hơn để cho đủ liều lượng, nhưng thuốc đó cũng sớm hết. “Rồi ông cũng sẽ phải ra đi”, Harb cay đắng nói, giống như phản ứng phổ biến của người Lebanon trước cuộc khủng hoảng của đất nước.

Tại một trong những trung tâm của Hiệp hội Amel - một nhóm nhân đạo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ở quận Baajour của Beirut, trong tháng 10-2020, gần 800 người đã đến mua thuốc hoặc chăm sóc sức khỏe, gần gấp đôi con số trong tháng 8. Nhóm nhân đạo Amel đã duy trì chương trình cứu trợ khẩn cấp dài nhất kể từ năm 2006, thời điểm nổ ra chiến tranh với Israel khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.

Xếp hàng tại quầy thuốc của trung tâm, bà Intissar Hatoum, 63 tuổi, nắm chặt chiếc túi đựng những hộp thuốc trống rỗng của mình. Bà muốn mua bất cứ thứ gì có sẵn: thuốc xịt mũi, thuốc tăng huyết áp, thuốc tim, thuốc chống đông máu vì người chồng thất nghiệp của bà bị bệnh thận còn bà cần dùng thuốc giảm cholesterol, có vẻ ít khẩn cấp hơn. Làm nội trợ trong nhà, bà Hatoum có tiền mua thuốc chữa bệnh nhờ đồng lương ít ỏi của con trai làm lái xe taxi. Con trai bà cũng đã lùng sục hỏi khắp miền Nam Lebanon và Syria về đơn thuốc của họ.

Giới dược sĩ cho biết, tình trạng thiếu hụt càng trầm trọng hơn do người dân hoảng loạn mua tích trữ sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương thông báo rằng với lượng dự trữ ngoại hối thấp, chính phủ sẽ không thể tiếp tục trợ cấp, bao gồm cả thuốc. “Thông báo đó giống như một cơn bão hay một trận động đất đánh vào người dân”, Ghassan al-Amin, người đứng đầu một tổ chức dược sĩ cho biết.

Giai đoạn khủng hoảng mới

Trong nhiều thập kỷ, thị trường dược phẩm nước này do khoảng 20 nhà nhập khẩu chi phối và độc quyền ở từng lĩnh vực. Trước tình hình hiện nay, các hãng dược đang “găm” hàng chờ giá tăng khi trợ cấp được dỡ bỏ, đầu cơ bán sang nước khác để thu lợi nhuận cao hơn hoặc phòng thân vì lạm phát tăng, họ không đủ tiền nhập thêm.

Ông Malak Khiami, dược sĩ tại Hiệp hội Amel, cho biết, trong tình trạng hỗn loạn, 60% hiệu thuốc giờ dù có mở cửa cũng không bán hàng. Vấn đề trở nên tồi tệ đến nỗi tại một hiệu thuốc ở Bchamoune, ngoại ô Beirut, dược sĩ Ziad Jomaa bị một khách hàng là binh sĩ rút súng đe dọa chỉ vì ông nói không có Panadol, một loại thuốc giảm đau cơ bản. Vụ việc lan truyền trên mạng xã hội đã khiến ông Jomaa được các nhà cung cấp thuốc giảm đau gửi ngay 50 hộp. Nhưng ông phải thực hiện các biện pháp an ninh mới: đóng cửa hiệu thuốc vào ban đêm, chỉ nhận đơn đặt hàng qua cửa sổ và thuê một người bảo vệ.

Đây là giai đoạn mới nhất trong sự sụp đổ kinh tế của đất nước 5 triệu dân này, dù Lebanon từng là trung tâm khu vực về ngân hàng, bất động sản và dịch vụ y tế. Hơn một nửa dân số nước này đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói và tiền tiết kiệm của người dân mất giá trị. Nợ công chất chồng, đồng nội tệ lao dốc, mất gần 80% giá trị. Ngành y tế đang phải chống chọi với căng thẳng tài chính và đại dịch Covid-19.

Lebanon nhập khẩu gần như tất cả mọi thứ, bao gồm 85% dược phẩm. Tăng trợ cấp là một bước đi tất yếu của chính phủ vốn mắc nợ nhiều. Điều này dự kiến sẽ khiến giá cả và lạm phát tăng vọt và đồng bảng Lebanon tiếp tục lao dốc. Niềm tin của người dân vào giai cấp lãnh đạo, chủ yếu nắm quyền kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1990 - càng sa sút nghiêm trọng khi đất nước vật lộn với suy thoái tài chính, đại dịch và vụ nổ kinh hoàng hôm 4-8 tại cảng Beirut.