Lebanon: Các ngân hàng phong tỏa hầu hết tiền tiết kiệm của khách hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hôm 14-9, hai người gửi tiền ở Lebanon đã xông vào ngân hàng để “cướp” tiền của chính họ, khi tài khoản cá nhân đã bị đóng băng do cuộc khủng hoảng tài chính quốc gia.
Nữ khách hàng mang theo súng giả vào ngân hàng ở trung tâm Beirut, Lebanon để rút tiền

Nữ khách hàng mang theo súng giả vào ngân hàng ở trung tâm Beirut, Lebanon để rút tiền

Không còn gì để mất

Ngày 14-9, tại thành phố miền núi Aley, một người đàn ông có vũ trang bước vào chi nhánh Ngân hàng Bankmed và cướp lại số tiền tiết kiệm mà anh không thể rút ra được trước khi tự thú với chính quyền. Cùng ngày, một phụ nữ mang theo súng cùng cộng sự đã xông vào chi nhánh Ngân hàng Blom ở Thủ đô Beirut, khống chế nhân viên rồi rời đi với hơn 13.000 USD tiền mặt từ tài khoản của mình. Đài truyền hình Sali Hafiz đã phát video trực tiếp về cuộc đột kích này. Trong video, người phụ nữ yêu cầu nhân viên đưa ra một khoản tiền trong khi lối vào ngân hàng bị phong tỏa. “Tôi là Sali Hafiz, tôi cần tiền cho chị gái tôi, người đang sắp chết trong bệnh viện. Tôi không đến để giết bất cứ ai... Tôi chỉ đòi quyền lợi của mình” - cô nói.

Ngân hàng Blom cho biết, nữ khách hàng đe dọa nổ súng, buộc viên giám đốc chi nhánh và thủ quỹ phải lấy tiền từ két sắt. Trước khi lẩn trốn, Sali Hafiz nói với kênh tin tức địa phương Al Jadeed TV rằng, khẩu súng là một món đồ chơi của cháu mình và cô cần tiền để điều trị ung thư cho chị. “Tôi không còn gì để mất nữa, tôi đã đi đến bước đường cùng”. Hai ngày trước đó, khách hàng này đã có cuộc gặp với giám đốc ngân hàng nhưng không được cung cấp một giải pháp thỏa đáng. Ngân hàng Blom xác nhận, khách hàng đã tìm đến đề nghị hợp tác với mong muốn có tiền chữa bệnh cho chị gái.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương sau vụ việc, Hafiz cho biết cô đã xoay xở mọi cách để có thể lấy ra 13.000 USD trong tổng số 20.000 USD mà gia đình mình đã gửi. Việc điều trị ung thư cho chị gái cô tốn khoảng 50.000 USD. Tại hiện trường, xăng đã được đổ vào bên trong ngân hàng và “vụ cướp” diễn ra trong chưa đầy 1 tiếng đồng hồ. Hafiz và các đồng phạm đã trốn thoát qua một cửa kính bị đập vỡ ở phía sau ngân hàng trước khi lực lượng an ninh đến.

Binh sĩ Lebanon đứng gác bên ngoài một chi nhánh của Ngân hàng Blom ở Beirut hôm 14-9

Binh sĩ Lebanon đứng gác bên ngoài một chi nhánh của Ngân hàng Blom ở Beirut hôm 14-9

Tiền lệ đáng lo ngại

Hafiz là một nhà hoạt động xã hội và nhà thiết kế nội thất 28 tuổi. Gia đình đã không liên lạc được với cô kể từ sau vụ việc và không tham gia vào kế hoạch này. “Tất cả những gì chúng tôi có là số tiền trong ngân hàng. Con gái tôi buộc phải lấy số tiền đó, đấy là quyền lợi của nó, tiền nằm trong tài khoản của nó và dùng để chữa bệnh cho chị gái” - mẹ của Sali Hafiz nói với kênh truyền hình địa phương.

Lebanon đã bị “vùi dập” bởi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 2019. Đồng nội tệ đã mất hơn 90% giá trị trên thị trường “chợ đen”, trong khi nghèo đói và thất nghiệp tăng vọt. Thực tế, các ngân hàng của Lebanon đã phong tỏa hầu hết tiền tiết kiệm của khách hàng kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế 3 năm trước, khiến phần lớn dân chúng không thể chi trả cho các khoản cơ bản. Hành động của Hafiz nhận được không ít sự ủng hộ trên mạng xã hội ở Lebanon, bởi rất nhiều người đang khao khát rút được tiền tiết kiệm và tức giận trước tình trạng tài khoản đóng băng quá lâu. Một người dùng Twitter viết: “Cảm ơn bạn, hai tuần trước tôi đã khóc ở Ngân hàng Blom. Tôi cần tiền để phẫu thuật. Nhưng tôi quá yếu để cầm súng và đòi lại những gì của mình ”.

Tháng trước, một người đàn ông đã nhận được sự đồng cảm rộng rãi sau khi xông vào Ngân hàng Beirut cùng một khẩu súng trường bắt nhân viên và các khách hàng khác làm con tin nhằm đòi số tiền tiết kiệm 200.000 USD của mình. Số tiền này ông ta dự định sẽ dùng để trả tiền viện phí cho người cha ốm yếu. Vị khách cùng đường sau đó đã bị giam giữ, nhưng nhanh chóng được thả do ngân hàng rút đơn kiện.

Một chủ ngân hàng cấp cao của Lebanon (giấu tên) cho biết, đây là một tiền lệ đáng lo ngại. “Tôi nghĩ đây là một lời mời gọi những người khác cũng làm như vậy. Không thấy bị cáo buộc, họ sẽ tiếp tục. Thật là một quốc gia thất bại” - ông nói. Các ngân hàng ở Lebanon có ngoại lệ cho các trường hợp nhân đạo, nhất là người cần chăm sóc tại bệnh viện, nhưng những người gửi tiền nói rằng điều đó hiếm khi xảy ra.