Lê Trí Dũng và những hòn cuội của danh họa

ANTĐ - Làm lính xe tăng chiến trường sau khi làm sinh viên Mỹ thuật Hà Nội, Lê Trí Dũng may mắn trở về sau chiến tranh. Anh nổi tiếng với những bức họa về chiến trận, từng đem tranh đi treo hàng chục bang nước Mỹ, nước Úc, treo ở bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và hàng chục sưu tập trên thế giới… Nhưng nổi tiếng hơn, với anh là những bức tranh vẽ gà, vẽ rắn và… ngựa. Gần đây anh bỗng dưng làm ta bất ngờ với những tập tản văn lạ và ám ảnh về chiến tranh, về thế thái nhân tình… 

Lê Trí Dũng về từ chiến trường Quảng Trị. Tôi vẫn gọi lứa các anh là những tài hoa ra trận. Vốn là con trai của một họa sĩ lớn, anh lẽ ra có chỗ đứng nào đó trong các cơ quan văn hóa nghệ thuật… Nhưng không hiểu sao, rời quân ngũ sau chiến tranh anh bỏ hết, cả cái suất biên chế Nhà nước nhiều người mơ, để trở thành một họa sĩ tự do. Và rồi một phần tư thế kỷ qua, anh đã sống quãng đời nghiệt ngã của người lính giữa thời không trận mạc. Một sự thật phũ phàng là, với thế hệ chúng tôi, chiến tranh chấm dứt từ lâu rồi, nhưng nhiều người vẫn chưa ra khỏi chiến tranh. Cái câu nói của anh vẫn ám ảnh tôi rằng: Đi qua cuộc chiến tranh khốc liệt ấy, mình được sống trở về đã là một sự vô lý. Và điều vô lý ấy thật… có lý khi ông trời bỏ sót một Lê Trí Dũng để bây giờ anh thành một danh họa Lê Trí Dũng trong mắt bạn bè… Được sống trở về, may mắn và hạnh phúc không làm anh quên được quá khứ trận mạc và nhà danh họa của chúng ta vật vã, khổ sở, và kiêu hãnh khi nói về thế hệ như thế… Anh dày vò, đớn đau đến tận bây giờ, ít ra là trên những trang sách của mình. 

 Những hòn cuội nhặt dọc đường - đã ba tập rồi mà còn chưa hết. Dạo này anh có vẻ vội vàng. Viết như là tranh thủ sợ không đủ thời gian. Và hay nói về cõi người. Chao ôi, cái cõi người mong manh lắm. Cái phận người nó mỏng lắm, cho nên anh hùng hục đi hùng hục viết, vẽ… Những hòn cuội của Lê Trí Dũng chính là những hòn cuội ký ức, những hoài nhớ, những kỷ niệm và trải nghiệm trận mạc. Anh đã đem những hòn cuội ấy thổi vào đó cảm xúc văn chương biến nó thành những truyện ngắn hoặc có thể nói những bài thơ văn xuôi nhiều hình ảnh và lắm những triết lý nhân sinh. Anh đã có độ lùi thời gian để nhìn một cái nhìn khác về cuộc chiến và một tâm cảm lạ lùng về nhân tình thế thái hôm nay… 

Văn của Lê Trí Dũng cũng nhiều ngẫm ngợi. Văn Lê Trí Dũng làm tôi khóc, khi đọc đến  Những hòn cuội… tập 2. Đó là một sự bí ẩn. Gã trai dư thăng trầm, thiếu cảm xúc như tôi mà khóc thì chính tôi cũng chả… hiểu mình. Có lẽ những câu chuyện về thân phận chiến tranh đã làm rung lên sợi tơ đồng cảm đớn đau nơi lòng tôi chăng? Ở tập thứ ba Những hòn cuội hình như Lê Trí Dũng thâm trầm hơn, lại có phần… liêu trai hơn… khi anh lạc vào cổ văn.  Người lính cũ ấy muốn chia sẻ với chúng ta nhiều điều, bằng cảm xúc bi tráng, anh đã cuốn người đọc vào  những cảm xúc mãnh liệt và dữ dội của con chữ…

Văn Lê Trí Dũng xin đừng bình phẩm. Nó là thứ chữ được chắt ra từ những giọt nước mắt của một người đàn ông từng trải trận mạc… Chả thế mà trong một bài bút ký về Lê Trí Dũng, tôi chỉ viết về nước mắt của người lính ấy giữa thời bình, những giọt nước mắt kiêu hãnh rỏ từ Quảng Trị cho tới Hoa Kỳ và nước Úc xa xôi mang thông điệp khác về ký ức chiến tranh… Không dễ gì một nhà danh họa bỏ thì giờ đi viết tản văn như vậy.

Tôi biết anh khái tính và anh viết là để cùng sẻ chia và chiêm nghiệm thế thái nhân tình… Anh thể hiện thái độ sống một cách mãnh liệt, chân thành trong trẻo… Một chút thiền, một chút lý số ngũ hành… Nhưng ấn tượng nhất vẫn là cái nhìn vào chuyện đời, việc đời, bằng sự phê phán có thể nói là kịch liệt sự trưởng giả, sự dối lừa đều giả, hèn hạ…

Sau ba tập tản văn Những hòn cuội… tôi thấy anh lạ hơn. Anh hay nói đến cái chết, đến quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Và anh mải miết đi trong thành phố với cái túi dết trong có vài bức tranh ngựa, mà bức nào, theo tôi, cũng đẹp và sống động, hùng mã. Có lẽ là anh tiếp tục đi tìm thêm những hòn cuội ký ức, những câu chuyện dọc đường đời gió bụi cho những tập tiếp theo chăng?…

 Và khi viết những dòng kết thúc bài viết này, tôi lại nhận được tin nhắn của Lê Trí Dũng: “Anh đang ở Quảng Trị ba ngày nay rồi. Sắp ra NTLS Trường Sơn. Chuẩn bị đi Cửa Việt…”. Thôi rồi. Gã lại tiếp tục đi nhặt những hòn cuội ký ức. Tội nghiệp nhà danh họa - người về từ trận mạc…