Lẽ nào bệnh vô cảm đã di căn?

ANTĐ - Thay vì tỏ ra thông cảm hay ngỏ ý giúp đỡ, một bộ phận cư dân mạng Việt Nam lại thi nhau đùa cợt một cách hết sức thiếu văn hóa khi một phụ nữ người Anh đăng thông báo tìm cháu trai của mình bị mất tích khi đang leo đỉnh Fansipan. Căn bệnh vô cảm dường như đã di căn vào cộng đồng mạng.

Lời kêu cứu của bà Lisa bị đáp lại bởi những bình luận cợt nhả, vô văn hóa

Đã gần 1 tuần lễ trôi qua kể từ lần cuối người ta nhìn thấy Aiden Webb - du khách 23 tuổi người Anh xuất hiện tại khu vực đỉnh Fansipan, vườn Quốc gia Hoàng Liên, Sapa, Lào Cai. Ngày 5-6, tức là chỉ 3 ngày trước đây, người cô ruột của Aiden, bà Lisa Shaw Webb đăng tải lên facebook một thông báo đầy lo lắng về việc cháu trai của mình mất tích. Aiden Webb đã cùng bạn gái là Bluebell Eloise Baughan quyết định du ngoạn tại Việt Nam trong chuyến du lịch qua nhiều quốc gia dự định kéo dài 4 tháng.

Trước khi đến Sapa, Aiden đã có mặt tại TP.HCM và từng chinh phục đỉnh Langbiang, Đà Lạt. Tuy nhiên, vào ngày 3-6, chàng thanh niên này đã quyết định để bạn gái ở lại thị trấn để một mình trèo lên đỉnh Fansipan. Bà Lisa cho biết, gia đình bà như đang ngồi trên đống lửa và cha của Aiden là ông Trever đã bay tới Việt Nam trong tối 5-6 để tìm kiếm con trai.

Thông tin về chàng trai người Anh mất tích ở Việt Nam đã trở thành “điểm nóng” trên nhiều trang web và kênh truyền thông không chỉ của Anh mà trên thế giới. Lực lượng cứu hộ của Vườn quốc gia Hoàng Liên gồm công an, bộ đội và dân quân lên tới hơn 60 người đã lập tức vào cuộc tìm kiếm dấu tích của Aiden trong suốt những ngày qua.  

Thực tế thì như vậy, song trên mạng, đáp lại lời của bà Lisa, không ít bạn trẻ Việt Nam đã để lại những dòng bình luận đầy cợt nhả. Những dòng bình luận đại ý như là anh chàng đẹp trai quá bị các cô gái dân tộc bắt làm rể, hay bị trúng bùa yêu nên quên đường về… Không tỏ ra thông cảm, nhiều người còn “đổ thêm dầu vào lửa” bằng những phát ngôn khó nghe hơn, như mất tích trong rừng thì nhiều khả năng bị hổ ăn thịt hay nếu Aiden mà còn sống trở về thì nhiều khả năng được… dựng phim.

Xấu hổ, đó là tâm trạng của nhiều người có văn hóa khi nhìn thấy những dòng bình luận này. Đáng hổ thẹn hơn khi nó rơi vào thời điểm khi một gia đình nơm nớp lo cho số phận của người thân, bởi thêm một giây phút không có thông tin gì, thì tính mạng của con họ, cháu họ lại cận kề với hiểm nguy. Khi đang rất trông chờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng mạng, chắc chắn gia đình Aiden sẽ đọc hết các bình luận với hy vọng có chút manh mối nào đó. Họ sẽ nghĩ về người Việt thế nào trước những lời “chia sẻ” như trên? 

Đây không phải là lần đầu tiên thái độ cợt nhả bị phô bày trước những người bạn nước ngoài. Khi một anh chàng người Hà Lan vốn là một kỹ sư cơ khí đã chấp nhận cuộc sống kham khổ ở Việt Nam khi kết duyên với một phụ nữ địa phương, ngày ngày bán bánh mỳ ở vỉa hè Sài Gòn được nhiều trang báo đưa tin, nhiều bạn đọc chê anh là người “sướng không biết đường hưởng”, rồi dè bỉu, “chắc chỉ có trong chuyện ngôn tình”. Chưa thấy đủ, họ còn quay sang” ném đá” nhan sắc của người vợ là không xứng với chồng?!

Ngày nay, khi đối diện với một con người, một sự việc mà bản thân không hiểu rõ, thì việc đầu tiên nhiều người làm là chọn cách phán xét, nói xấu, hoặc đưa ra những lời bình phẩm đầy ác ý. Thay vì tỏ ra cởi mở và có thiện chí, họ lại đang đóng vai những kẻ nghi kỵ, ganh ghét và sẵn sàng làm tổn thương người khác. Lối hành xử của một bộ phận cư dân mạng trước việc du khách người Anh mất tích hay chàng trai người Mỹ dọn rác không còn là chuyện bông đùa vô thưởng vô phạt, mà nó biểu lộ sự vô cảm đến tàn nhẫn đang thường trực trong mỗi cá nhân. Dừng lại đi, các “anh hùng bàn phím!”.