Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh:

Lễ hội cần phải chuẩn mực

ANTĐ - L.T.S: Sang tuần thứ ba của xuân mới Ất Mùi, cả nước vẫn còn tràn ngập không khí lễ hội. Dư luận nhân dân cũng vì thế dành cho lễ hội sự quan tâm đặc biệt với vô vàn bức xúc từ các lễ hội được giãi bày trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhận lời phỏng vấn của phóng viên Báo ANTĐ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã trả lời cặn kẽ nhiều câu hỏi nóng về lễ hội.   

- PV: Thưa Bộ trưởng, được biết Bộ VH-TT&DL đang tiến hành lấy ý kiến của các ban, ngành chức năng để chấn chỉnh, siết chặt các hoạt động lễ hội, lược bỏ các hành vi phản cảm… Xin Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh: Bộ VH-TT&DL sẽ tổng kết, đánh giá lại khách quan, khoa học các hoạt động lễ hội trong thời gian vừa qua, nhất là thời điểm đầu năm 2015, sau đó sẽ tham mưu lên Chính phủ, lễ hội nào không có tác dụng giáo dục, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia thì sẽ đề xuất cấm. Lễ hội nào cần có những công đoạn phải loại bỏ thì bỏ, những nghi lễ nào cần khu biệt lại thì khu biệt… Tất nhiên, chúng tôi sẽ phải cần có lộ trình, thận trọng, lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, cộng đồng, các nhà quản lý và cả báo chí truyền thông. Hiện nay Bộ VH-TT&DL đang soạn thảo công văn gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu chấn chỉnh việc tổ chức hoạt động lễ hội và các địa phương tổ chức lễ hội phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra những hành động phản cảm trong lễ hội. 

- Rõ ràng là, một số lễ hội được tổ chức vừa qua rất phản cảm, thậm chí rất dã man, ví như Lễ hội Cầu trâu, Chém lợn... nhưng nếu cấm, liệu Bộ VH-TT&DL có ngại bị vấp phải sự phản đối và lập luận rằng “Đây là truyền thống” không, thưa Bộ trưởng?

- Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21, không phải tất cả cái gì truyền thống cũng còn phù hợp đến bây giờ. Quan điểm giữ lại, phục dựng lễ hội nguyên gốc, thậm chí không bỏ đi những hủ tục, những hành vi đả thương đến đổ máu… chỉ là quan điểm của một vài cá nhân thôi.

- Bộ VH-TT&DL đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các nhà văn hóa?

- Tôi đã giao các cơ quan chức năng thuộc Bộ là Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản Văn hóa, Thanh tra Bộ, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa. Còn các cơ quan này lấy ý kiến của ai là trách nhiệm của họ. Tôi thấy bản thân giới nghiên cứu văn hóa cũng có nhiều người bày tỏ quan điểm rất khác nhau. Như lễ hội Chém lợn ở Ném Thượng chẳng hạn, có người cho rằng đó là lễ hội để tưởng nhớ tướng công Lý Đoàn Thượng chém lợn rừng khao quân, có người lại bảo đó là thờ thần hoàng làng Lý Công. Tôi biết là ở Lễ hội Cầu trâu, người chủ tế, người nuôi trâu trước khi chia tay con trâu còn hôn trâu và khóc. Người chủ tế sau này thấy quá dã man, phản cảm người ta cũng có ý kiến cần phải chấm dứt. Hàng ngày, chúng ta vẫn cần gia súc, gia cầm làm thực phẩm, nhưng cần phải xử lý thế nào cho văn minh. Rõ ràng một bộ phận những người tổ chức và người tham gia đã có những hành xử lệch chuẩn văn hóa nên mới để xảy ra những việc mà tôi cho là đáng tiếc như thế. Chúng ta vẫn nói Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mến khách, nhưng nhìn quanh lễ hội thấy toàn máu me, đập đầu, chém giết, cướp bóc như vậy thì làm sao ra hòa bình, mến khách được.

Lễ hội cần phải chuẩn mực ảnh 1Lễ hội cần hướng đến những giá trị truyền thống, nhân văn. Ảnh: PHÚ KHÁNH

- Thưa Bộ trưởng, các lễ hội được phục dựng có cần phải thỏa thuận của Bộ VH-TT&DL hay không?

- Bộ VH-TT&DL chỉ có ý kiến với những lễ hội mang tầm quốc gia, những lễ hội từ cấp tỉnh trở xuống thì chính quyền địa phương chịu trách nhiệm.

- Thời gian qua, có thể thấy, chúng ta có hẳn một phong trào phục dựng lễ hội rất rầm rộ, đặc biệt là miền Bắc, những tưởng, đó là việc làm tốt, ngờ đâu bao biến tướng nảy sinh. Ông có thấy như vậy?

- Đúng vậy. Thời gian qua đã có nhiều lễ hội được phục dựng. Chúng ta đã trải qua thời chiến tranh, rồi trải qua thời bao cấp thiếu thốn, đến nay khi đời sống đã ấm no thì nhu cầu về tinh thần trỗi dậy. Những đề xuất của nhân dân về phục dựng lễ hội là chính đáng, nhưng rất cần thiết phải có sự chuẩn mực ở trong đó, không nên nặng tính thương mại, vì khi đã thương mại hóa lễ hội thì người ta sẽ bất chấp, chỉ quan trọng những hiệu quả về kinh tế, tâm thế người tham gia lễ hội sẽ bị vẩn đục.

- Trở lại với việc sẽ loại bỏ hành vi phản cảm, thậm chí cấm Lễ hội nào quá đẫm máu, lễ hội là của nhân dân, việc đưa những mệnh lệnh hành chính vào liệu có nhận được sự đồng thuận của người dân? Thưa Bộ trưởng?

- Không phải chờ đến khi người dân đồng thuận thì chính quyền mới ra quyết định mà cần cơ quan quản lý nhà nước tham mưu, nghiên cứu đầy đủ, đồng thời phân tích cái được – chưa được. Tất nhiên là phải làm đúng quy trình, đúng pháp luật, tôn trọng, lắng nghe nhân dân. Nếu như tổ chức lễ hội mà mất mát lớn hơn thì phải có điều chỉnh. Tôi ví dụ như việc cấm đốt và kinh doanh pháo trước đây, những người sản xuất, buôn bán pháo mất đi nguồn thu nhưng Chính phủ thấy rằng việc cấm đem lại cái lợi nhiều hơn thì sẽ cấm. 

- Các lễ hội đầu năm dường như đang khiến các nhà quản lý rất đau đầu vì biến tướng quá nhanh. Nạn chặt chém, đổi tiền lẻ, tắc đường… trở nên quá “tầm thường” so với những hình ảnh bạo lực và những biểu hiện khác mà chúng ta đang thấy, có phải chúng ta đang bị động trước những hiện thực đang diễn ra?

- Những tệ nạn của năm trước thì năm nay đã được chấn chỉnh một cách nghiêm túc: Rõ ràng là việc rải tiền lẻ, năm nay đã giảm hẳn nhưng chúng ta không thể tuyệt đối hóa mọi việc. Những biến tướng của lễ hội năm nay, sang năm mới có thể chấn chỉnh được nhưng tôi nghĩ sẽ lại có những biến tướng khác. Đó là những yêu cầu, đòi hỏi việc quản lý nhà nước phải có sự điều chỉnh nhanh nhạy, có quyết tâm hơn. Không thể cầu toàn và ngay lập tức biến đổi mọi thứ được. 

- Nhiều người có ý kiến, tính thiêng của lễ hội giờ đây đã giảm đi nhiều, thay vào đó là tính dịch vụ thương mại. Quan điểm của Bộ VH-TT&DL ra sao?

- Đúng là có lễ hội đã bị biến tướng, phần thiêng giảm đi, phần lợi, thậm chí là trục lợi từ khai thác lễ hội đã tăng lên. Mà một khi đã tăng lên thì người đến lễ hội sẽ cảm thấy không thiêng liêng nữa, từ đó người ta cũng không nghĩ tới việc giữ gìn chuẩn mực văn hóa nữa, vì thế mới xảy ra những tình trạng cướp, giẫm đạp lên nhau, lợi dụng lộn xộn, kẻ gian trộm cắp… Nếu như không sớm chấn chỉnh, thì không chỉ có phần lễ mất đi tính thiêng, mất đi giá trị di sản mà phần hội sẽ trở nên nhốn nháo, người tham gia lễ hội sẽ thất vọng. 

- Có ý kiến cho rằng, nên giãn thời gian tổ chức, như thế Lễ hội sẽ bớt ồn ào, bớt lãng phí?

- Lễ hội là nơi người ta vui chơi, đặc biệt với những nước nông nghiệp đặc thù như Việt Nam, sau Tết Nguyên đán chính là thời điểm nông nhàn, người ta du xuân, nghỉ ngơi sau 1 năm làm việc mệt nhọc. Đó là quyền lợi chính đáng của người dân. Hiện nay Bộ đang được giao thực hiện Đề án Quy hoạch lễ hội, qua căn cứ và nghiên cứu thực tế, Bộ sẽ có những tham mưu lên Chính phủ để làm sao giảm tần suất tổ chức, quy mô lễ hội nhưng đồng thời tăng giá trị tinh thần lên, hàm lượng văn hóa trong các lễ hội sẽ tăng lên. 

- Ở một số địa phương, lễ hội được coi là nguồn thu chính của ngân sách, liệu giãn cách thời gian tổ chức lễ hội có khả thi hay không, thưa Bộ trưởng?

- Đó chính là một nguyên nhân khiến cho việc quy hoạch lễ hội sẽ trở nên rất khó khăn. Một số yêu cầu mà Bộ VH-TT&DL đưa ra đã được thực hiện không nghiêm do lợi ích nhóm, lợi ích của các địa phương tổ chức lễ hội. Hãy thử tưởng tượng, trong một gia đình cũng còn khó lấy được ý kiến đồng thuận của mỗi người chứ đừng nói tới một vấn đề lớn của xã hội. Việc quản lý hòm công đức, bao nhiêu năm cuối cùng cũng ra được văn bản chỉ đạo nhưng đã gặp khó khăn khi người ta cảm thấy quyền lợi của mình bị đụng chạm. Lễ hội cũng vậy thôi. Có những người nói rằng các địa phương đang coi lễ hội như một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vì thế không dễ gì người ta bỏ đi nguồn lợi của mình, nhưng dù thế thì các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ VH-TT&DL và các bộ, ngành liên quan phải yêu cầu các tỉnh, thành phố đảm bảo được những tiêu chí mà lễ hội đặt ra, đồng thời có những hình thức xử phạt, từ phạt hành chính đến phạt kinh tế, thậm chí là cách chức những người tham gia ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương ở đó nếu để xảy ra sự cố. Rõ ràng, có trong tay công cụ quản lý nhà nước mà không thực hiện thì năng lực của anh yếu hoặc là anh có sự dung túng, nên không dám can thiệp vào. Chính quyền địa phương phải có chế tài rất cụ thể chứ đừng để khi xảy ra lỗi lại xin lỗi suông. Quy hoạch lễ hội vì thế mà có những cản trở nhất định nhưng không phải vì thế mà chúng ta không làm. Bộ 

VH-TT&DL sẽ có tham mưu, kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách quản lý tốt hơn. Lợi ích của một nhóm nào đó không thể bằng lợi ích của cả cộng đồng, của cả nước được.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng, đầu xuân kính chúc Bộ trưởng mạnh khỏe!

Tin cùng chuyên mục