Lê Công Vinh và nghịch lý về sự thừa nhận

ANTD.VN - Là cầu thủ thành danh nhất của bóng đá Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua, nhưng cả cuộc đời và sự nghiệp của Lê Công Vinh lại là hành trình nhọc nhằn đi tìm sự thừa nhận trong lòng người hâm mộ.

Đá tốt hay đá dở, tôi đều bị ghét”, Công Vinh cay đắng trả lời truyền thông trước thềm AFF Cup 2016. Hai chữ “bị ghét” như ám ảnh anh trong suốt hơn một thập kỷ của sự nghiệp. Từ những ngày chập chững bước chân vào lò đào tạo trẻ của SLNA và dự bị cho Văn Quyến, cho đến khi chu du qua nhiều CLB trong nước từ HN T&T, CLB Hà Nội, Bình Dương, rồi cả Leixoes (Bồ Đào Nha) hay Consadole    Sapporo ở nước Nhật xa xôi, sự nghiệp của Công Vinh luôn gắn liền với hai tiếng “vượt khó” và “khổ luyện”.

Công Vinh không được đánh giá cao lúc trẻ, nhưng anh có được những thành tựu như ngày hôm nay là do nghị lực vươn lên. Không phải ngẫu nhiên anh trở thành cầu thủ có tổng giá trị chuyển nhượng lớn nhất ở Việt Nam. Và không phải ngẫu nhiên, anh lại có những năm tháng thi đấu ở nước ngoài tốn rất nhiều giấy mực của báo chí trong nước và châu lục đến thế. Đó là một hành trình đáng mơ ước với bất cứ cầu thủ Đông Nam Á nào. 

Công Vinh có một tác phong chuyên nghiệp hiếm có. Anh có thể trả lời báo chí trong nước lẫn quốc tế bằng tiếng Anh một cách gãy gọn, không khoe mẽ và rườm rà. Thế nhưng, Công Vinh luôn bị đa số ghét và đó là một nghịch lý cho đến nay chưa thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng.

Trong suốt hơn một thập kỷ qua, tiền đạo sinh năm 1985 luôn là biểu tượng số 1 của bóng đá Việt Nam. Nhưng người ta không ưa anh vì Công Vinh trên thực tế chẳng có điểm nào nổi bật. Anh không có những pha xử lý nghệ sĩ như Văn Quyến, không có tốc độ như Thành Lương, và cũng không có bản năng sát thủ của một trung phong cỡ Kiatisak của Thái Lan, Kurniawan của Indonesia trước đây hay Dangda của người Thái bây giờ. Nhưng tất cả quên rằng nhiệm vụ cuối cùng và quan trọng nhất đối với một tiền đạo là ghi bàn.

Dù theo cách này hay cách khác, miễn là bàn thắng. Họ quên rằng trong sự nghiệp của mình, Công Vinh đã có tới 51 bàn cho ĐTQG, con số còn hơn cả Edin Dzeko cho ĐT Bosnia (49 bàn), hơn Van Persie cho ĐT Hà Lan (50 bàn) và tiệm cận thành tích của những Neymar, Rooney và thậm chí cả Messi. Người ta cũng quên rằng chính cái duyên của Công Vinh đã tạo nên cú đánh đầu ngoạn mục, mang về chức vô địch AFF Cup đầu tiên và duy nhất cho đến nay cho Việt Nam.

Nhưng nếu trong đêm ấy, Công Vinh đã khóc vì hạnh phúc trào dâng, thì 8 năm sau, trong đêm Mỹ Đình được bao phủ bởi một gam màu buồn khi ĐT Việt Nam phải dừng chân ở bán kết AFF Cup 2016 trước Indonesia, Công Vinh lại khóc vì run rủi trong cay đắng, và cả những điều trớ trêu mà anh phải nhận. Công Vinh được thừa nhận thực sự hay không, vẫn sẽ là câu hỏi lớn khó tìm ra lời giải đáp sau này. Anh nói lời từ giã sự nghiệp ở tuổi 31, khi mà mọi thứ dường như còn đang dang dở.