Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Tối 25-11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra lễ công bố vinh danh 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2020.  Việc lựa chọn doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia được tiến hành 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2008, nhằm khuyến khích doanh nghiệp theo đuổi các giá trị của chương trình là Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển doanh nghiệp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, cùng lãnh đạo Bộ Công thương và đại diện các bộ, ban, ngành, các cơ quan, doanh nghiệp...dự buổi lễ.

Trong nhiều năm qua, chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng.

Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.

Ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát vinh dự đón nhận Cup vinh danh Thương hiệu Quốc gia do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng
Ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát vinh dự đón nhận Cup vinh danh Thương hiệu Quốc gia do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng

Tại lễ vinh danh Thương hiệu Quốc gia năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam cho biết: Chương trình không phải là một giải thưởng thương hiệu, việc lựa chọn các thương hiệu đạt Thương hiệu Quốc gia chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của chương trình. Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp nhưng sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, nhằm giúp các doanh nghiệp tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước. Bên cạnh đó, chương trình còn góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là một quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ trao tặng Cup cho doanh nghiệp

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ trao tặng Cup cho doanh nghiệp

Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát diễn biến khó lường gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp, tuy nhiên, nhờ công tác truyền thông tích cực để nâng cao nhận thức về chương trình và kỳ xét chọn Thương hiệu Quốc gia năm 2020 đã nhân được sự hưởng ứng và quan tâm tích cực của hơn 1000 doanh nghiệp trong cả nước.

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã góp phần nâng cao ý thức cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã góp phần nâng cao ý thức cộng đồng doanh nghiệp về vai trò quan trọng của thương hiệu trong việc gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp

Chương trình xét chọn năm nay cũng là kỳ xét chọn đầu tiên của Bộ Công Thương triển khai Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg. Đồng thời tình hình bảo hộ sở hữu trí tuệ và chấp hành về mặt pháp luật của các doanh nghiệp tham gia Chương trình cũng được xác nhận thông qua các cơ quan chức năng như: Ngân hàng nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thuế; Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Việc tổ chức lựa chọn doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia đã được tiến hành khoa học, chặt chẽ và nghiêm túc, và theo quy trình với sự điều tra khảo sát mức độ nhận biết và đánh giá của người tiêu dùng Việt Nam đối với các thương hiệu sản phẩm đăng ký. Trong đó yếu tố “Khả năng nhận biết của thương hiệu trên thị trường” là một trong những tiêu chí quan trọng chiếm 80% số điểm để đánh giá và xếp hạng thương hiệu.

Năm 2020, các doanh nghiệp được vinh danh hầu hết đều là những cái tên quen thuộc với các sản phẩm - dịch vụ được nhiều người tiêu dùng biết đến như: Sữa TH True Milk, Vinamilk, Nước giải khát Tân Hiệp Phát, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Hapro, Ắc quy Đồng Nai, Yến sào Khánh Hòa...

Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, ngày 29-9-2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2534/QĐ-BCT công nhận 124 doanh nghiệp với tổng số 283 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2020.

Như vậy, so với năm 2018, năm nay cả nước đã có thêm 27 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa và dịch vụ cũng như phát triển thị trường nội địa.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự nỗ lực cùng những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.“Tôi rất vui mừng khi số lượng các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam liên tục tăng nhanh qua các kỳ xét chọn, điều này thể hiện rõ niềm tin ngày càng tăng của doanh nghiệp đối với các đường lối, chính sách của Chính phủ, cũng như khẳng định chất lượng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ngày càng được cải thiện”, Phó Thủ tướng biểu dương và nhận định, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã không ngừng nỗ lực tiên phong, đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động.

Những thành tựu mà các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được thể hiện giá trị nhân văn, văn hóa doanh nghiệp cũng như tăng khả năng cạnh tranh của hình ảnh quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Để tiếp tục đạt được các kết quả đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam cần khai thác tốt tiềm năng, tận dụng lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp với Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, tăng cường chủ động hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh kỷ nguyên số, cách mạng 4.0.