Lấy người học làm trọng tâm

ANTĐ - Ở Kim Bôi, Hòa Bình gần đây có câu chuyện rất nhân văn. Một chàng trai tàn tật bẩm sinh mở lớp dạy chữ, dạy công nghệ thông tin cho trẻ mồ côi và trẻ lang thang cơ nhỡ, được rất nhiều em đăng kí theo học.

- Bọn trẻ hàng ngày phải đi ăn mày, ăn xin về nuôi thầy thay cho học phí à?

- Không những không phải đóng góp gì, bọn trẻ còn được nuôi ăn, ở, có nơi trú ngụ khi trái gió trở trời.

- Nếu vậy thì ông thầy tàn tật này có bố mẹ là đại gia hoặc mới nhận thừa kế từ nước ngoài cũng nên?

- Không hề, ông này bị người thân bỏ rơi từ nhỏ, sau nhờ ý chí vượt lên hoàn cảnh, tự học nghề nuôi sống bản thân, giờ còn cưu mang hàng chục em nhỏ.

- Vậy thì đáng phục quá. Chẳng bù cho nhiều thầy cô bây giờ, lúc nào cũng tìm cách ép phụ huynh học sinh cho con học thêm.

- Nếu dạy một tháng mà bọn trẻ giỏi ngay thì lấy đâu người học thêm nữa. Vì thế, thầy cô “giỏi” là phải biết cách dạy để trò bớt dốt hơn thôi, có thế mới có người học quanh năm chứ. Nhiều người mua nhà tậu xe nhờ biết cách dạy thêm này đấy.

- Thầy cô no đủ thì mới có sức khỏe dạy các cháu chứ.

- Chính lối tư duy của những người như bác đã khiến ngành giáo dục xuống dốc. Một nền giáo dục tốt bao giờ cũng lấy người học làm trọng tâm phát triển bác ạ.