Lấy chất lượng cuộc sống làm thước đo tăng trưởng

ANTĐ - Hôm qua, 24-10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch năm 2014 - 2015. Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ đã có được thành tựu trong bối cảnh nhiều khó khăn, các ĐBQH cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.

Chất lượng dẫn sinh phản ánh mức tăng trưởng kinh tế

Thành công nhưng vẫn lo

Đánh giá suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay nặng nề không kém cuộc đại khủng hoảng hồi những năm 1930, nhiều ĐBQH đánh giá cao những thành tựu kinh tế xã hội đã đạt được trong 3 năm trở lại đây. Chỉ ra một số điểm sáng của nền kinh tế, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nói: “Tôi tán thành nhiều ý kiến của Chính phủ. Tình hình cho thấy, chúng ta đang phát triển theo hướng có lối ra. Giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và chống được lạm phát có thể coi là thành công lớn”.

ĐB Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Hà Nội) góp ý: “GDP 3 năm qua đạt mức 5,6% là tích cực trong tình hình hết sức khó khăn vừa qua. Chính sách tiền tệ khá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và chỉ số lạm phát. Lãi suất huy động và cho vay được điều chỉnh hợp lý, phân bố nguồn vốn xử lý tốt...”. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) dẫn chứng: “Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn ổn định và có lúc còn tăng. Kiều hối ngày càng nhiều lên. Năm 2013, dự kiến đạt trên 11 tỷ USD. Kinh tế thế giới khủng hoảng thì tổng cầu suy giảm, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 15-16%/năm. Đó là những biểu hiện rất đáng mừng...”.

Bên cạnh mặt tích cực, các ĐBQH cũng chỉ ra nhiều yếu kém, tồn tại đang là lực cản kinh tế - xã hội tiến lên. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nêu thực tế, số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động vẫn lớn, đi kèm với đó là tình trạng mất việc làm của người lao động. Giải quyết nợ xấu chưa triệt để, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, hiệu quả đầu tư công chưa được cải thiện rõ nét. Ông nhấn mạnh, quan trọng là phải tạo được niềm tin với doanh nghiệp dân doanh. Vì thế, Chính phủ cần có cam kết ổn định lạm phát, lãi suất trong thời gian dài thì doanh nghiệp mới dám vay vốn sản xuất kinh doanh. ĐB Trần Hoàng Ngân cũng bày tỏ lo lắng do ngân sách khó khăn, bội chi tăng cao, nợ công đã tới mức phải cảnh báo”.

Thắt lưng buộc bụng

Nêu ra giải pháp duy nhất là phải thắt lưng buộc bụng để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, ĐB Nguyễn Đình Quyền nói: “Giải pháp nhiều lắm rồi, nói mãi rồi. Cái chính bây giờ là phải hành động. Nói đi đôi với làm...”. ĐB Đào Văn Bình (Hà Nội) cho rằng, phải có giải pháp mạnh đấu tranh với lợi ích nhóm. Ông nói: “Đây chính là cục máu đông cần loại bỏ, để hạn chế tối đa sự can thiệp vào chính sách để phục vụ lợi ích một nhóm người nào đó...”.

Quan tâm nhiều tới đời sống dân sinh, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, cần lấy chất lượng cuộc sống của người dân là thước đo phát triển kinh tế - xã hội. Bà Bùi Thị An nói: “Thực tế đời sống người dân còn khó khăn lắm. Thu nhập thì vẫn thế mà cái gì cũng tăng giá. Trong khi đó, các tập đoàn, tổng công ty lớn thì kinh doanh thua lỗ...”. ĐB Bùi Thị An kiến nghị, dù năm tới, kinh tế còn rất khó khăn nhưng nên tìm nguồn để tiếp tục tăng lương tối thiểu lên mức đủ đáp ứng đời sống sinh hoạt cơ bản của người dân.

Phản ánh mối lo thực phẩm bẩn tràn lan do lạm dụng chất bảo quản, chất kích thích ngoài luồng, ĐB Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) kể: “Tôi tới Thái Nguyên, người ta biếu chè và nói rằng uống cái này thôi, đừng có mua ngoài. Khi tới Đắk Lắk, người ta lại biếu cà phê và cũng khuyên là chớ có mua ở ngoài. Hoa quả cũng vậy, cây trồng riêng ở vườn để ăn, còn bán ra ngoài là quét hóa chất... Đâu đâu cũng có chuyện như vậy. Khổ là, dân ta thu nhập thấp nên thấy rẻ vẫn mua để dùng”.