“Lầu tiên”

ANTĐ - Sau hai mươi năm lao động quần quật, vợ chồng anh  mua được nhà, một căn hộ tầng 14 trong khu chung cư cao cấp Mỹ Đình. Anh tổ chức một bữa tiệc rất xôm mời cả cơ quan đến chia vui. Anh tự hào vì đã hoàn thành nốt nhiệm vụ lớn của đời trai “tậu trâu - cưới vợ - làm nhà”; chị mãn nguyện với tổ ấm trên cao, không khí trong lành, ban ngày chan hoà ánh sáng, ban đêm tưởng như với tay ra ngoài cửa sổ là hái được sao trời...

Cũng ngay trong buổi tiệc ấy, tôi đã buột miệng tham mưu: Vợ chồng ông ra khỏi nhà từ lúc tinh mơ, con bé học bán trú, căn hộ khoá cửa im ỉm suốt ngày là rất lãng phí. Đưa ông cụ lên đây dưỡng già, vừa ấm nhà ấm cửa, cha con gần nhau, vợ chồng ông đỡ phải lo lắng… Tôi chưa dứt lời thì chị lên tiếng: Vợ chồng em đã tính đến phương án ấy rồi.

Nói là làm. Cuối tuần ấy cả hai vợ chồng về quê. 

Bố anh lên. Cụ thăm thú khắp căn hộ ngắm nghía từng phòng. Anh chị đi theo sau hào hứng thuyết minh: Đây là phòng ngủ của bố có máy điều hoà không khí, đủ chăn nệm cao cấp; đây là toilet đủ vòi nước nóng lạnh; đây là phòng bếp có đủ bếp từ, bếp gas, lò vi sóng, thức ăn con mua để trong tủ lạnh bố cứ việc dùng.

Ông cụ gật gù, nét mặt rạng rỡ, luôn miệng trầm trồ. Khi quay trở lại phòng khách, ông cụ buột miệng “Cái nhà này các con mua bao nhiêu?”. “Gần 3 tỉ đồng bố ạ!”. Ông cụ giật mình đánh thót, lẩm nhẩm một hồi rồi tặc tặc lưỡi: “Bằng một nghìn con trâu của bố! Nhưng mà thế cũng đáng, sống ở đây thì sướng khác gì tiên!”.

Có mặt trong buổi đoàn viên hôm đó, tôi cảm thấy mừng cho họ. 

Nhưng tôi đã mừng hơi sớm.

“Tiên ông” ở trên “lầu tiên”, cả ngày chỉ biết đeo kính ngồi đọc báo xem ti vi đến mờ cả mắt. 

Biết bố buồn, anh mua về một bể cảnh có đủ cá tôm cua cùng một con gà trống giống phượng nhốt trong chiếc lồng rất đẹp. 

Nhưng… anh có thể mua được bể cá nhưng không mua được những âm thanh ao làng ếch nhái râm ran; anh có thể mua được giống gà đẹp như trong tranh nhưng không mua được tiếng gà gáy sáng bừng mỗi bình minh nơi thôn dã… 

Thế nên “tiên ông” vẫn buồn.

Bữa tối hôm đó, cả nhà quây quần quanh mâm cơm, ông cụ bất ngờ bảo: “Các con sống thế nào mà chả thấy ai đến thăm nhà?”. Cả anh và chị đồng thanh: “Chúng con có đông bạn bè lắm. Nhưng đồng nghiệp thì cả ngày gặp nhau ở công sở, bạn bè có gì vui thì kéo nhau đi quán bia hơi buổi trưa, còn buổi tối ai về nhà nấy nghỉ ngơi. Ở thành phố không có “văn hoá thăm nhà” như ở quê đâu bố ạ”. 

Ông cụ cười buồn, buông đũa. 

Ở mãi trên “giời” nên “tiên ông” rất muốn “tiếp thổ”. Sau bữa tối, ông cụ đề nghị hai bố con xuống đất đi bộ cho đỡ buồn chân tay. Anh đã uống mấy chai bia, bụng căng ì ạch, rất mệt, chỉ muốn đi ngủ, nhưng đành chiều bố. Khi hai bố con đã đứng trong thang máy, bất ngờ ông cụ hỏi: “Này, thế lúc bố… chết, các con đưa bố xuống bằng cách nào?”. Anh tái mặt ấp úng: “Con… con… con chưa nghĩ đến…”.

Ông cụ im lặng. 

Sau một đêm không ngủ gương mặt ông cụ hằn thêm những rãnh suy tư.  

Một buổi vừa tới cơ quan, anh bạn bổ vào phòng tôi: “Gay rồi ông ạ. Ông cụ đang nằng nặc đòi về. Tối nay mời ông đến nhà nói với cụ giúp tôi một tiếng. Vợ chồng tôi đã năn nỉ đủ kiểu rồi. Chỉ có ông nói may ra…”.

Tôi biết việc anh nhờ là vô cùng khó khăn nhưng cũng cố. 

Nhưng tối ấy, tôi chưa kịp mở lời thì ông cụ đã chặn trước: “Các con ạ. Bố tám mươi tuổi rồi. Bố phải về thôi. Bố muốn được chết trong tình nghĩa xóm làng, và được nằm cùng với mẹ con giữa ruộng đồng…”.

Cả tôi và vợ chồng anh đều cúi đầu im lặng.