Lật tẩy thủ đoạn gian lận thiết bị y tế nhập khẩu

ANTĐ - CQĐT Bộ Công an vừa tống đạt kết luận điều tra vụ án buôn lậu và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có xảy ra tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Hải Phòng và TP. HCM.

Có 2 bị can bị đề nghị truy tố về tội buôn lậu gồm Trần Thị Ánh Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật thiết bị y tế Bảo Trân (Công ty Bảo Trân, trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội); Nguyễn Xuân Tưởng, Phó Giám đốc Công ty Bảo Trân. Một bị can bị đề nghị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, là Lê Văn Điệp, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên kỹ thuật thương mại xuất nhập khẩu Khải Anh (Công ty Khải Anh).

Ngày 11-11-2013, Công ty Bảo Trân làm thủ tục khai Hải quan điện tử cho lô hàng trang thiết bị y tế nhập khẩu về Việt Nam qua hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài với nội dung tờ khai: “Lô hàng nhập khẩu là thiết bị y tế mới 100%”. Tuy nhiên, người đại diện Công ty Bảo Trân không xuất trình được giấy tờ chứng minh xuất xứ lô hàng. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng xác định toàn bộ số hàng hóa nhập khẩu là thiết bị y tế đã qua sử dụng. 

Ngày 18-4-2014, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ đến CQĐT Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền. Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng xác định, trong số 10 lô hàng nhập khẩu của công ty Bảo Trân, có 6 lô hàng là trang thiết bị y tế đã qua sử dụng. Tưởng và Hồng lợi dụng giấy phép nhập khẩu do Bộ Y tế cấp để nhập khẩu thiết bị y tế đã qua sử dụng, trá hình là hàng mới 100%.

Thủ đoạn của các đối tượng là với giấy phép trong tay, sẽ đi nắm bắt nhu cầu thị trường, từ đó đặt hàng qua thư điện tử cho đối tác nước ngoài. Khi soạn thảo hợp đồng thương mại và các giấy tờ bằng tiếng Anh, Tưởng và Hồng chỉ đạo nhân viên không ghi tên hàng như đơn hàng đã gửi cho đối tác mà ghi là máy xét nghiệm sinh hoá tự động mới 100%, rồi sử dụng chữ ký và con dấu của đối tác nước ngoài đã lưu trong máy tính để in màu rồi sử dụng những bản hợp đồng này. Sau đó, các đối tượng đã dùng các bản hợp đồng làm giả trên để xuất trình với ngân hàng khi mua ngoại tệ, làm các thủ tục theo quy định. 

Bằng thủ đoạn này, năm 2013, Tưởng và Hồng đã dùng pháp nhân Công ty Bảo Trân nhập lậu 6 lô hàng thiết bị y tế đã qua sử dụng, với giá trị thanh toán cho đối tác nước ngoài hơn 2,8 tỷ đồng. Về vai trò của bị can Lê Văn Điệp, Giám đốc Công ty Khải Anh, mặc dù biết thiết bị y tế của Tưởng và Hồng là hàng nhập khẩu trái phép, nhưng Điệp vẫn mua 5 chiếc máy siêu âm đã qua sử dụng, tổng trị giá hơn 740 triệu đồng.