Lật tẩy hoạt động của tin tặc Trung Quốc

ANTĐ - Đơn vị tin tặc bí mật 61398 của quân đội Trung Quốc một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý sau khi Mỹ và Trung Quốc tố cáo lẫn nhau về các cuộc tấn công mạng. Nhưng đơn vị này vẫn chưa phải là đơn vị do thám mạng hàng đầu của Trung Quốc khi chỉ là một phần trong mạng lưới tin tặc tại đất nước đông dân nhất thế giới này.

Mỹ ngày càng lo ngại trước mối đe dọa bị Trung Quốc tấn công trên mạng 
(Trong ảnh: Một buổi bồi dưỡng đội ngũ nhân tài công nghệ thông tin
của binh lính quân đội Quảng Châu, Trung Quốc)

Bề nổi của tảng băng

Hãng thông tấn Reuters dẫn lời bà Jen Weedon, chuyên gia phân tích thuộc hãng an ninh mạng Mandiant của Mỹ, cho biết Trung Quốc có hàng chục đơn vị tương tự như 61398. Theo bà Weedon, 61398 vẫn chưa phải là đơn vị do thám mạng hàng đầu của Trung Quốc vì đây không phải là đơn vị phải bí mật tuyệt đối. Không chỉ được trang bị đường dây cáp quang đặc biệt, các thành viên trong đơn vị này còn được huấn luyện trong nhiều lĩnh vực, từ tiếng Anh đến các cách thức liên lạc bí mật, an ninh mạng và các chiến thuật tấn công điện tử.

Bà Weedon cho rằng, đơn vị này bắt đầu hoạt động từ năm 2006, nhưng các chiến dịch do thám mạng đã giảm mạnh sau khi hãng Mandiant đưa ra báo cáo chi tiết hồi năm 2013. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh một số kỹ thuật tấn công mạng, nhóm tin tặc này đã trở lại hoạt động bình thường. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, các thành viên Đơn vị 61398 đã đánh cắp mật mã truy cập vào máy tính của các nhân viên thuộc các doanh nghiệp Mỹ, rồi lấy cắp các tài liệu nội bộ nhạy cảm. Còn theo một báo cáo ngoại giao mật do trang mạng Wikileaks công bố hồi năm 2008, nhóm tin tặc này đã từng đánh cắp dữ liệu của cơ quan Chính phủ Mỹ .

Sau khi bị Mandiant cáo buộc đứng sau các vụ tấn công mạng, các cư dân mạng Trung Quốc đã tìm thấy một quảng cáo tuyển dụng cho nhóm tin tặc thuộc Đơn vị 61398 trên website của Đại học Chiết Giang với nội dung, sinh viên nào ký vào hợp đồng phục vụ tại đơn vị trên sẽ nhận được một suất học bổng quốc phòng nhà nước trị giá 5.000 Nhân dân tệ mỗi năm. Sau khi tốt nghiệp, họ sẽ làm việc trong lĩnh vực tương tự trong quân đội Trung Quốc (PLA). Không chỉ vậy, nhiều trường đại học tại Trung Quốc cũng từng tài trợ cho các cuộc thi về bảo mật máy tính để tìm kiếm các tài năng hacker trẻ tuổi.

Tấn công vào tất cả các lĩnh vực

Theo báo New York Times, hoạt động tin tặc tại Trung Quốc đã đạt đến đủ mọi cấp độ: từ ăn trộm dữ liệu của các tập đoàn, cơ quan chính phủ nước ngoài cho tới theo dõi đối thủ cạnh tranh, hay ăn trộm bí mật doanh nghiệp… Ông Adam Meyers, Giám đốc công ty an ninh mạng CrowdStrike cho rằng các nhóm khác nhau ở Trung Quốc có các mục tiêu tấn công mạng khác nhau. Nhóm SamuraiPanda tấn công các công ty hóa chất, ngân hàng, công ty công nghệ không gian ở các quốc gia châu Á, còn nhóm AnchorPanda nhằm vào các mục tiêu hàng hải gần với Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc, và các công ty Mỹ, châu Âu. Trong khi đó, nhóm NumberedPanda lại tìm kiếm thông tin tình báo nhạy cảm, như các thông tin về hoạt động làm sạch khu vực Fukushima của Nhật Bản. 

Theo hãng Akamai Technologies, các vụ tấn công mạng xuất phát từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, với con số 40% trong tổng số các vụ tấn công toàn cầu trong quý IV năm 2012. Trong lĩnh vực gián điệp, Trung Quốc chiếm ưu thế hơn nhiều, ước tính có tới 96% các vụ đột nhập mạng lưới để do thám trong năm 2012 là do tin tặc Trung Quốc tiến hành. 

Hoạt động tinh vi

Hacker Trung Quốc được đánh giá là có trình độ cao và hoạt động tinh vi khiến quân đội Mỹ cũng phải lên tiếng lo ngại. Hệ thống an ninh mạng của Mỹ hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Lầu Năm Góc và các nhà thầu đáng tin cậy, tuy nhiên, đây không phải là một trở ngại đối với những tin tặc trình độ cao của Trung Quốc. Truyền thông Mỹ hôm 18-4 dẫn lời Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, cho rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc rò rỉ dữ liệu nằm ngay trong lỗ hổng của hệ thống máy tính quân đội Mỹ đang sử dụng. Mặc dù ông Locklear không đưa ra các ví dụ cụ thể, nhưng theo tạp chí Foreign Policy, tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp thông tin về thiết kế chiến đấu cơ F/A-18, F-35 và trực thăng Black Hawk, cũng như các hệ thống chống tên lửa Aegis của nước Mỹ. 

Mối lo ngại về an ninh mạng đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Các quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ cho rằng, các vụ tấn công và gián điệp mạng có khả năng gây ra mối đe dọa tiềm tàng còn lớn hơn cả al-Qaeda và các tổ chức phiến quân khác. 

Trung Quốc nói không với Windows 8

Trung Quốc vừa ra thông báo cấm các cơ quan chính phủ cài đặt hệ điều hành mới nhất Windows 8 của hãng công nghệ Microsoft Corp’s của Mỹ. Theo thông báo của Trung tâm mua sắm chính phủ trung ương, lệnh cấm này chỉ áp dụng đối với tất cả các máy tính để bàn, laptop và máy tính bảng được sử dụng trong các cơ quan chính phủ, và không ảnh hưởng đến thị trường máy tính cá nhân. Tân Hoa xã cho biết, lệnh cấm này nhằm đảm bảo an ninh mạng sau khi hãng Microsoft chấm dứt hỗ trợ kỹ thuật đối với hệ điều hành Windows XP, vốn được sử dụng rộng rãi và chiếm 70% thị phần tại Trung Quốc. 

Thiết bị viễn thông Trung Quốc bị nhiều nước tẩy chay

Hồi giữa tháng 7-2013, báo Australian Finacial Review dẫn lời cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden cho biết, theo “đánh giá chuyên môn” của ông thì tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc Huawei đã cung cấp cho Chính phủ Trung Quốc “các thông tin mật của các hệ thống liên lạc nước ngoài”, hoặc ít nhất cũng phải là chi tiết về “các hệ thống viễn thông nước ngoài mà tập đoàn này có liên quan”. Trước những mối đe dọa này, hàng loạt quốc gia đã “tẩy chay” sản phẩm, thiết bị của Huawei cũng như sự tham gia của tập đoàn này vào các dự án quốc gia.

Tháng 4-2013, Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật yêu cầu các cơ quan chính phủ không được phép sử dụng các thiết bị công nghệ do các công ty được “sở hữu, chỉ đạo hoặc tài trợ bởi Trung Quốc” sản xuất, chế tạo, lắp ráp nếu không được sự cho phép của cơ quan thực thi pháp luật liên bang. Mục tiêu chính của đạo luật này được cho là nhằm vào Huawei và một công ty khác của Trung Quốc là ZTE. Tại Australia năm 2011, Chính phủ Australia cũng đã ban hành lệnh cấm sử dụng các thiết bị của Huawei cho Hệ thống băng thông rộng Quốc gia Australia (NBN) và ngăn chặn công ty viễn thông này tham dự đấu thầu dự án xây dựng đường truyền băng thông rộng trị giá gần 38 tỉ USD. Thủ tướng Australia khi đó là bà Julia Gillard khẳng định “đây là một biện pháp phòng ngừa” nguy cơ tấn công mạng từ Trung Quốc. Ngoài ra các quốc gia khác như Ấn Độ, Canada cũng từng có nhiều động thái cứng rắn đối với hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc trước lo ngại về những mối đe dọa an ninh quốc gia.