Lật tẩy góc nhìn sai lệch, nhận xét thiếu khách quan về tự do báo chí ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Một lần nữa, Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ) lại đưa ra các thông tin bịa đặt, cố tình tạo dựng góc nhìn sai lệch về tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.

Báo chí Việt Nam có bước phát triển mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, bắt kịp sự phát triển của báo chí thế giới. Ảnh: Lam Thanh

Báo chí Việt Nam có bước phát triển mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, bắt kịp sự phát triển của báo chí thế giới. Ảnh: Lam Thanh

Bị lũng đoạn nhằm phục vụ mưu đồ chính trị

Trên trang web của mình, CPJ đưa Việt Nam vào nhóm một số nước mà tổ chức này cáo buộc “đặc biệt thành thạo” trong việc “tống giam và sách nhiễu các ký giả và gia đình họ” cũng như “tham gia vào việc kiểm duyệt Internet và mạng xã hội”. Không biết dựa trên nguồn thông tin nào mà CPJ tự cho mình quyền đánh giá như vậy? Tuy nhiên, điều có thể thấy rõ là đây không phải là lần đầu tiên tổ chức này có những việc làm sai trái nhằm vào Việt Nam.

Là tổ chức được một nhóm thông tin viên nước ngoài của Mỹ thành lập vào năm 1981, trụ sở ở thành phố New York (Mỹ), Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) tuyên bố mình là tổ chức phi lợi nhuận độc lập với mục đích ban đầu đề ra là thúc đẩy tự do báo chí và bảo vệ các quyền của nhà báo. Lời giới thiệu nghe có vẻ khá là tiến bộ và thu hút người đọc, nhưng hoạt động của CPJ trên thực tế lại chẳng như tổ chức này quảng bá.

Hãy xem trên cơ sở “tôn trọng sự thật khách quan” mà mình rêu rao, CPJ đã bịa đặt có hệ thống về Việt Nam như thế nào. Nếu những ai theo dõi thông tin thường xuyên thì có thể thấy CPJ luôn có một cái nhìn sai lệch về thực trạng báo chí ở Việt Nam. Tổ chức này liên tục có những bản phúc trình, hết cáo buộc Việt Nam kiểm duyệt báo chí gắt gao, lại cho rằng Việt Nam tìm cách đàn áp các nhà báo.

Một số đối tượng như Trần Huỳnh Duy Thức, Trương Duy Nhất, Võ Thanh Tùng, Tạ Phong Tần, Nguyễn Hữu Vinh…, những người có hành vi tuyên truyền, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vi phạm pháp luật nghiêm trọng nên đã bị xử lý theo pháp luật, thì CPJ gọi là các “nhà báo” bị chính quyền đàn áp. Tiếp đó, bằng các cáo buộc xuyên tạc rằng Việt Nam “vi phạm” tự do dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do báo chí, CPJ tìm cách gây sức ép đòi Chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho những đối tượng có hành vi tuyên truyền, chống phá Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Như vậy, thực chất hoạt động của CPJ đâu phải là “bảo vệ nhà báo” mà là câu móc, lôi kéo, mua chuộc các thành phần chống đối; cổ vũ, tài trợ, hướng dẫn các đối tượng chống đối thực hiện hành vi chống phá; sau đó lên án, can thiệp, gây sức ép đối với Việt Nam trên vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Nếu nhìn rộng ra hoạt động của CPJ, không chỉ nhằm vào Việt Nam mà còn vào nhiều nước khác, có thể thấy gần 40 năm tồn tại, CPJ ngày càng lộ rõ sự biến tướng, đặc biệt trong việc nó bị lũng đoạn nhằm phục vụ mưu đồ chính trị, với những nhận xét vô lối, xuyên tạc, áp đặt, thiếu khách quan, công bằng về các vấn đề lớn của nhiều quốc gia, đặc biệt là nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Những việc làm cần thiết bảo đảm tự do ngôn luận, báo chí ở Việt Nam

Phản ứng trước thông tin từ CPJ cho rằng chính sách quản chế tự do báo chí của Chính phủ Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm khắc, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 17-12, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà CPJ đưa ra về tình hình Việt Nam”.

Chúng ta hoàn toàn có quyền khẳng định như vậy bởi vấn đề tự do ngôn luận nói chung, tự do báo chí nói riêng, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Trong các luật được ban hành thời gian gần đây, như Luật Báo chí (năm 2016); Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016); Luật An ninh mạng (năm 2018)…, vấn đề tự do ngôn luận luôn được tôn trọng và bảo đảm.

Những năm gần đây, báo chí Việt Nam tiếp tục có bước phát triển mạnh. Tính đến hết năm 2019, cả nước có 868 cơ quan báo chí; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình với 2 Đài quốc gia, 64 Đài địa phương, 5 Kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó hơn 20.000 trường hợp đã được cấp Thẻ nhà báo.

Để phù hợp với sự phát triển trong tình hình mới, ngày 3-4-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 362/QĐ-TTg, Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 nhằm giúp báo chí Việt Nam hoạt động chuyên nghiệp, lớn mạnh hơn, bắt kịp sự phát triển của báo chí thế giới. Quy hoạch này cũng nhằm chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, xa rời tôn chỉ, mục đích, thương mại hóa, thông tin phiến diện, chú trọng mặt trái, tiêu cực… trong xã hội, thiếu tính giáo dục, thậm chí phản tác dụng, lan truyền những điều xấu. Đó là những việc làm cần thiết vì sự phát triển của hệ thống báo chí Việt Nam, chứ không phải nhằm kiểm soát báo chí, hạn chế tự do báo chí như cáo buộc vô lối của CPJ.

Kể từ khi hòa mạng Intenet toàn cầu vào ngày 1-12-1997, Việt Nam liên tục thiết lập những kỷ lục mới. Hiện nay, mạng di động phủ sóng 99,7% dân số, trong đó mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số; hơn 64 triệu người dân Việt Nam đang sử dụng Internet và hơn 62 triệu người dân sử dụng mạng xã hội. Điều đó bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu tìm kiếm, trao đổi, thụ hưởng thông tin mọi lúc, mọi nơi, mọi mặt… của người dân cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như truyền thông xã hội. Người dân Việt Nam có thể truy cập vào tất cả các trang web, báo chí trên thế giới; có thể bày tỏ mọi suy nghĩ, trăn trở, mong muốn chính đáng, hợp pháp, bảo đảm thuần phong mỹ tục, giá trị nhân văn, đạo đức… của mình trên mạng xã hội hằng giờ, hàng ngày, thông qua việc viết bài, đăng ảnh, video clip.

Tất nhiên, cũng như ở các quốc gia khác, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật quốc gia mình về những gì đăng tải trên mạng xã hội. Ở Việt Nam cũng như ở bất cứ Nhà nước pháp quyền nào trên thế giới, tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xét xử theo đúng trình tự tố tụng đã được quy định trong pháp luật hiện hành.