Lật tẩy công nghệ in đô la siêu giả mới

ANTĐ - Chỉ phải ngồi tù 6 tuần, Frank Bourassa, nhân vật tự nhận mình là “vua làm tiền giả”, vừa được chính quyền Canada trả tự do sau khi giao nộp một lượng lớn các đồng 20 đô la giả mà nhà chức trách đánh giá là “không thể phát hiện bằng mắt thường”. Hơn 1 tháng sau, Bourassa có cơ hội khoe ra “thành tích” của mình trên kênh truyền hình điều tra “20/20” của ABC, thách thức chính quyền các nước liên quan và cả cuộc chiến chống “tội phạm tiền giả” trên toàn thế giới. 

Siêu “đô la giả”

Theo lời Bourassa, để có thể thực hiện kế hoạch sản xuất tiền giả, anh ta đã dành 2 năm nghiên cứu những chi tiết về bảo mật tiền tệ trên trang web của chính cơ quan Mật vụ Mỹ. Sở dĩ Bourassa nhắm mục tiêu vào  đồng 20 USD Mỹ vì chúng không được in trên chất liệu polymer, và kể từ năm 2003 đã không được cập nhật thêm các yếu tố an toàn. 

Tránh “vết xe đổ” của các đồng tiền giả đã nhanh chóng bị phát hiện và thu giữ trước đó, bước đầu tiên trong kế hoạch, Bourassa dùng chiêu mới: đánh lừa cảm giác. Bằng cách nào đó, Bourassa đã lừa được các hãng giấy ở Đức và Thụy Sĩ sản xuất một loại giấy làm từ chất liệu cotton và vải lanh, vẫn được dùng để sản xuất tiền đô la Mỹ. Bourassa cho rằng, những đồng tiền giả được làm bằng chất liệu trên sẽ tạo ra cảm giác chân thực khi người ta sờ vào chúng - cảm giác giống như sờ vào vải hơi nhàu. Tiếp đó, Bourassa sục sạo trên Internet để tìm các nhà cung cấp Trung Quốc có thể cung cấp cho anh ta mực in và các nguyên liệu chế tạo đặc điểm bảo an có trên đồng tiền thật. Nguyên liệu này được chuyển tới nhà riêng của Bourassa trong thị trấn Quebec (Canada). Sau khi Bourassa đặt hàng, các nhà máy giấy châu Âu đã chuyển cho anh ta 5 cuộn giấy đặc biệt. 

Nhưng để có thể hoàn thành “sản phẩm”, nhà chức trách tin rằng Bourassa đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người khác, gồm một chuyên gia về in ấn. Người này đã giúp anh ta vận hành máy in off-set (một kỹ thuật in ấn trong đó các hình ảnh trên bản kẽm và mực in được ép lên các tấm cao su trước rồi mới ép từ miếng cao su này lên giấy) và các thiết bị cần thiết để tạo ra số sêri không giống nhau trên các đồng tiền. Chính Bourassa thú nhận, số tiền giả này được bán theo từng lô lớn cho các nhóm tội phạm, với giá 1 triệu đô giả ăn 300.000 đô thật.

Truy tìm “chân rết”

Hoạt động sản xuất và mua bán đồng 20 USD của Bourassa đã diễn ra trong nhiều năm. Chúng lần đầu xuất hiện tại Troy, Michigan (Mỹ) vào năm 2010. Nhà chức trách Mỹ và Canada đã phải mất gần 4 năm theo dõi mới lần ra được một vài thông tin về Bourassa. Kể từ đó tới nay, tiền giả đã được tìm thấy trên khắp nước Mỹ, từ California tới Nevada và Florida, thậm chí còn xuất hiện ở một số bang tại vùng Đông Bắc.

Trong chiến dịch “săn mồi”, một viên cảnh sát chìm hoạt động trong một nhóm tội phạm đã thực hiện một thương vụ mua tiền giả với Bourassa. Nhờ những thông tin mà viên cảnh sát mật cung cấp đã giúp nhà chức trách lần ra hoạt động bí mật của Bourassa ở Quebec. Một yếu tố khiến các nhà điều tra lo lắng, chiêu “khoe mẽ thành tích” của Bourassa rất có thể là cuộc “hỏa mù” nhằm che giấu cho những kẻ thực sự đứng đầu đường dây sản xuất, mua bán đồng 20 đô la. Mặc dù, Bourassa thú nhận là kẻ chủ mưu và đứng đầu một nhóm nhỏ chịu trách nhiệm in và phát hành các đồng 20 đô la, nhưng chính quyền Canada và các mật vụ Mỹ nghi ngờ Bourassa chỉ là một “mắt xích” của một mạng lưới lớn hơn.

Nhưng để có thể tìm được chỗ cất giấu số giấy, mực in đặc biệt còn lại, các thiết bị mà trước đó Bourassa sử dụng để sản xuất tiền giả và giao nộp toàn số tiền giả đang lưu trữ, chính quyền Canada đã đồng ý giảm án cho Bourassa. Đồng thời,  Bourassa phải giao nộp một lượng lớn các đồng 20 đô la giả và nộp phạt 1.500 đô la thật. Nhà chức trách Canada thông báo họ vẫn đang tiếp tục điều tra hoạt động làm tiền giả quanh Bourassa, “chân rết” đó có thể ở Đức, Thụy Sĩ, Canada, Mỹ hay Trung Quốc?