Lật tẩy chiêu lừa tình qua Internet

ANTĐ - Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP.HCM vừa phát đi thông báo truy tìm một nhóm gồm 3 người đàn ông quốc tịch Nigieria. Những đối tượng này được xác định là cầm đầu một băng nhóm lừa đảo chuyên nhắm vào những phụ nữ Việt có nhu cầu lấy chồng ngoại. Thực tế trò lừa đảo này, Bộ Công an đã từng nhiều lần khuyến cáo, nhưng vẫn có không ít phụ nữ dính bẫy tình - tiền.

Lật tẩy chiêu lừa tình qua Internet ảnh 1Đối tượng Trần Thuyên Lý; đối tượng Chikelu Tobechukwu Samson, được xác định là cầm đầu băng nhóm người Nigieria chuyên giăng bẫy tình - tiền phụ nữ Việt

Số tài khoản đáng ngờ

Giai đoạn từ giữa năm 2014 đến đầu năm 2015, tại các tỉnh thành phía Nam, cơ quan công an liên tiếp nhận được trình báo về các vụ lừa đảo tình - tiền có tính chất giống nhau. Tất cả nạn nhân đều là phụ nữ và đều quen biết với một số người đàn ông ngoại quốc thông qua Internet. Sau một thời gian trao đổi qua lại trên mạng, những phụ nữ trên được “bạn trai” hứa hẹn yêu đương hoặc cưới làm vợ.

Các “ông chồng ảo” sau đó thông báo sẽ gửi cho “vợ Việt” tiền để mua nhà, xây tổ ấm, rồi quà, lễ vật đính hôn.... Sau đó các nạn nhân nhận được điện thoại của người xưng là nhân viên ngân hàng Anh quốc (hoặc nhân viên công ty giao nhận) yêu cầu chuyển tiền cước phí (hay viện lý do món quà bị cơ quan chức năng Việt Nam tạm giữ khi nhập cảnh, yêu cầu nạn nhân chi tiền bôi trơn) để lấy món quà đó ra. Nhiều phụ nữ nhẹ dạ, cả tin đã chuyển tiền vào tài khoản mà nhân viên ngân hàng (hay nhân viên công ty giao nhận) chỉ định nhưng không thấy quà cáp hay tiền mà “ông chồng ảo” gửi đâu cả. Mọi liên lạc sau đó với các “ông chồng ngoại” cũng bị chấm dứt.

Tiếp nhận các vụ việc lừa đảo cùng chung thủ đoạn, Bộ Công an phía Nam nhận định nhiều khả năng là do một băng nhóm gây ra, vì đa phần các nạn nhân chuyển tiền theo yêu cầu vào 2 số tài khoản của ngân hàng     Sacombank và ACB do một người đứng tên. Xác định về 2 số tài khoản này, công an đã mời làm việc với đối tượng Lê Dũng Tuyến (SN 1987, trú tại An Giang).

Tuyến khai báo có quen biết với Trần Thuyên Lý (SN 1988, trú tại Tiền Giang), khoảng giữa năm 2014 được người này nhờ dùng giấy tờ cá nhân để mở hai tài khoản ngân hàng trên và hứa trả công 5 triệu đồng. Tuyến đã mở hai thẻ ATM có đăng ký dịch vụ Internet Banking, mua một sim điện thoại đăng ký tên mình rồi đưa hết cho Lý. 

Tháng 7-2014 do nghi ngờ Lý sử dụng hai tài khoản trên vào hoạt động phạm pháp nên Tuyến đã tìm gặp để truy hỏi. Lý thú nhận dùng hai tài khoản của Tuyến để nhận tiền lừa đảo. Nhưng khi Lý hứa hẹn chi 5% số tiền lừa đảo có được thì Tuyến hám lợi nên đồng ý. Qua củng cố hồ sơ, chứng cứ, cuối tháng  5-2015 công an đã bắt giữ cả 2 đối tượng này.

Lộ diện nhóm lừa đảo chuyên nghiệp

Đến nay CQĐT xác định, hai tài khoản ngân hàng đứng tên Tuyến và do Lý sử dụng đã nhận tiền lừa đảo của 21 nạn nhân với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng. Trong đó người bị lừa nhiều nhất là 214 triệu đồng. Công an cũng đã xác định được 13 trong số 21 nạn nhân nói trên.

Theo lời khai ban đầu của Lý, năm 2010 đối tượng có quen biết một người đàn ông tên Samson quốc tịch Nigieria và một số bạn bè đồng hương của Samson. Sau đó nhóm người Nigieria nhờ Lý tìm người mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền của các nạn nhân mà chúng lừa đảo sẽ gửi vào, đồng thời hứa cho Lý 10% “doanh thu”. Do hám lợi, Lý đồng ý và sau đó nhờ Tuyến mở hai tài khoản ngân hàng như nói trên.

Mở rộng điều tra, công an xác định có 3 người đàn ông mang quốc tịch Nigieria cầm đầu băng nhóm lừa đảo bằng cách thức như nói trên, gồm: Chikelu Tobechukwu Samson (SN 1982), Nkwocha Peter Emeka (SN 1970) và Nmoruka Samuel Obumneme (SN 1976). Nhóm này đã nhập cảnh vào Việt Nam nhiều lần và thuê nhà ở quận 7 nhưng hiện đi đâu không rõ.

Công an còn xác định có một người phụ nữ Việt Nam tích cực giúp sức cho nhóm người Nigieria lừa đảo hàng chục nạn nhân. Người phụ nữ này có nhiệm vụ đóng vai nhân viên ngân hàng (hay nhân viên công ty giao nhận) để dụ  “con mồi” chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu. Theo các nạn nhân, khi liên lạc với họ, người phự nữ này xưng tên là Nguyễn Thị Ngọc Lần.

CQĐT đề nghị những ai biết về tung tích của 3 người đàn ông Nigieria như trên hãy  báo cho Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP.HCM.

Liên quan đến chiêu lừa đảo tình - tiền qua Internet Bộ Công an khuyến cáo: Nếu nhận được các cuộc điện thoại của người xưng là cơ quan công an yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hay tài khoản ngân hàng (hoặc nhân viên công ty viễn thông thông báo nợ cước) thì người dân không được làm theo, đặc biệt không chuyển tiền vào tài khoản chúng yêu cầu.

Nếu cần mời làm việc, cán bộ công an sẽ đến tận nhà để chuyển giấy mời hay giấy triệu tập, hoặc công ty viễn thông cũng thông báo cước phí bằng giấy tờ, hóa đơn rõ ràng. Bên cạnh đó chị em phụ nữ cũng không nên tin tưởng những lời hứa hẹn, yêu đương trên Internet khi không biết rõ gốc gác, lai lịch của bạn trai. Người dân hễ có nghi vấn cần sớm trình báo với cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết.