Lật mặt hàng lậu đội lốt “Made in Việt Nam”

ANTĐ - Hàng loạt cửa hàng thời trang “Made in Việt Nam” mọc ra trong 3-4 năm gần đây đã khiến thị trường hàng Việt nhộn nhịp hẳn lên. Nhưng bao nhiêu phần trăm hàng hóa trong các cửa hàng đó là hàng Việt? Đây là câu hỏi không dễ trả lời.

Trước phản ánh của người tiêu dùng về việc rất nhiều mặt hàng nhập lậu, chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc được gắn mác “made in Việt Nam”, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường theo nội dung này. Tại văn bản số 1835 về kế hoạch kiểm soát thị trường Tết Nguyên đán 2013, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định: “Xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, lợi dụng kích cầu để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng nhập lậu giá rẻ từ nước ngoài gắn nhãn của nhà sản xuất trong nước có uy tín trên thị trường nhằm thu lợi bất chính, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp trong nước”. 

Theo các phụ nữ có nhiều kinh nghiệm mua sắm hàng may mặc: “Nếu nhìn tinh mắt có thể phân biệt được đâu là hàng Việt Nam thật và hàng giả. Mẫu hàng thật thường hơi thô xấu, size to hơn và phong cách mẫu thường hơi cứng. Tuy nhiên, đường may và chất liệu vải rất đẹp, các chi tiết cúc, túi khác hẳn hàng nhái, trực quan cũng thấy sang hơn. Ngược lại, hàng giả hàng Việt Nam thường có vẻ ngoài khá bóng bẩy nhưng chất liệu, các chi tiết nhỏ, thiếu tinh tế”.