Lật lại "hồ sơ đen" về môi trường của Tập đoàn nhựa Formosa tại Campuchia

ANTĐ - Ít ai biết rằng, trong lịch sử cách đây gần 20 năm, Tập đoàn sản xuất nhựa lớn nhất châu Á Formosa Plastics Group (FPG) cũng đã vướng vào những vụ bê bối không đáng có, khi vận chuyển hàng nghìn tấn rác thải công nghiệp độc đến Campuchia để xử lý.

Câu chuyện xảy ra vào tháng 11-1998 và cho đến bây giờ nó vẫn như một vết sẹo khó lành mỗi nhắc đến của Formosa. Theo đó, Tập đoàn khổng lồ Formosa – một trong những tập đoàn sản xuất nhựa lớn nhất của Châu Á đã ngầm thỏa thuận với các quan chức địa phương của Sihanoukville, Campuchia và vận chuyển các tàu chứa chất thải công nghiệp đến khu vực. Các rác thải độc hại chứa hàm lượng thủy ngân lớn sau đó đã được tìm thấy tại bãi rác ở Sihanoukville, gần cảng phía nam của đất nước.

Báo chí Campuchia vào thời điểm đó cho biết, 2.799 tấn chất thải độc của Formosa được 90 xe tải loại lớn, vận chuyển liên tục trong 4 ngày liên tiếp đến bãi rác Sihanoukville. Nhiều xe trong gần 100 container sau đó lại được rửa sạch cạnh một hồ nước lớn cung cấp nước sinh hoạt trong khu vực.

Phụ nữ Campuchia đi qua khu vực bãi rác Sihanoukville, nơi chứa chất thải công nghiệp độc hại của Formosa, ảnh chụp ngày 16-1-1999

Chưa kể, nhiều người dân địa phương đã sử dụng chất thải ở các bãi rác hay nhặt các túi nilon để tái sử dụng.
“Một số người đã dùng túi nhựa để trồng lúa, mang các khối chất thải về để làm đá kê trên các bếp nấu ăn trong gia đình”, phóng viên của Phnom Penh Post cho biết.

Sự việc về rác thải công nghiệp độc hại được đổ bí mật trên biển, trong các bãi rác ở Sihanoukville chỉ được phanh phui vào ngày 19-12-1998, sau khi xảy ra cái chết của 1 công nhân dỡ tàu tại bến cảng và một người bốc vác rác thải, với các triệu chứng khẳng định bị nhiễm độc thủy ngân. Như một kết quả tất yếu, hàng nghìn người dân sống trong khu vực đã chuyển đến nơi khác sinh sống vì lo ngại an toàn tính mạng.

Ngay sau đó, chính quyền Campuchia vào cuộc điều tra và phát hiện Formosa đã hối lộ cho quan chức địa phương 3 triệu USD để thỏa thuận đổ rác thải công nghiệp tại bãi rác Sihanoukville.

Chính phủ nước này cũng điều động hàng trăm binh sĩ mặc quần áo bảo hộ, đóng các chất thải vào thùng và vận chuyển chúng lên container. Campuchia cũng gửi mẫu chất thải đến Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Thái Lan để kiểm tra.

Mặc dù kết quả kiểm tra của các chuyên gia nước ngoài đưa ra với hàm lượng thủy ngân có trong mẫu chất thải của Formosa là khác nhau, nhưng tất cả chúng đều vượt quá mức an toàn cho phép.

Dù vậy, đại diện của Formosa vẫn ngoan cố biện minh chất thải chứa thủy ngân của mình được bảo vệ kiên cố bằng xi măng nên vô hại. Hơn nữa tập đoàn này tuyên bố hàm lượng thủy ngân trong chất thải được chứng nhận từ Cơ quan bảo vệ Môi trường của Trung Quốc đại lục là dưới mức nguy hiểm và an toàn để xử lý rác thải.

Trước những gì mà Formosa đã làm ở Sihanoukville, chính quyền Campuchia đã yêu cầu vận chuyển toàn bộ những rác thải công nghiệp độc hại của tập đoàn này trở lại Đài Loan và bắt buộc một lời xin lỗi và bồi thường từ Formosa.

Hai tuần sau vụ việc vỡ lở, ông Wang Yung-ching - người đại diện của Formosa đã phải lên tiếng xin lỗi chính phủ Campuchia, tuy nhiên vẫn chống lại áp lực của Đài Loan về việc vận chuyển 2.799 tấn rác thải công nghiệp độc hại trở lại.

Cá chết trắng tại bờ biển miền Trung Việt Nam trong thời gian qua gây hoang mang dư luận 

Vụ việc vào thời điểm đó đã gây ra những chấn động không nhỏ tại châu Á, khi mà một số quốc gia sẵn sàng thỏa thuận với các quan chức địa phương của các quốc gia lân cận, để vận chuyển chất thải độc hại đến để xử lý mà không hề quan tâm đến sinh mạng của hàng nghìn người trong khu vực đó.

Trở lại với câu chuyện cá chết trắng, hóa giòi tại trên khắp bờ biển miền Trung Việt Nam đang gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian qua. Dù chưa có kết luận chính xác về vụ việc có liên quan đến Formosa hay không, nhưng "hồ sơ xám xịt” của tập đoàn này ở Campuchia 20 năm trước, khiến nhiều người không thôi đặt câu hỏi hoài nghi. Và trách nhiệm của cơ quan chức năng, các nhà khoa học là phải trả lời được những câu hỏi của người dân. Nếu không phải do Formosa, thì cần giải tỏa áp lực để doanh nghiệp làm ăn phát triển. Ngược lại, cần mạnh tay xử lý triệt để các sai phạm, không có "vùng cấm", không đánh đổi môi trường với bất cứ thứ gì, như phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.