Lắp trạm cân tải trọng, giảm tốc độ tối đa xe lưu thông qua cầu Thăng Long

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Sau khi hoàn thiện sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ sẽ lắp đặt trạm cân tải trọng tự động và giảm tốc độ lưu thông tối đa qua đây.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, tính đến nay, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), đã hoàn thành thi công cấp phối bê tông Polymer và bắt đầu rải thử nhựa asphalt. Dự kiến công tác thi công hoàn thành trước 31/12/2020.

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng của Tổng cục cho biết, Tổng cục Đường bộ đang tính đến giải pháp lắp đặt trạm cân tải trọng xe tự động trên cầu Thăng Long để kiểm soát tải trọng, bảo vệ kết cấu công trình cầu trong quá trình khai thác.

Đồng thời, sẽ nghiên cứu, đề xuất giới hạn tốc độ tối đa chạy xe trên cầu ở mốc 60km/h, thay vì 80km/h như trước để tăng tuổi thọ công trình.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng (ảnh Huy Hùng)

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng (ảnh Huy Hùng)

Theo các chuyên gia, công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long có sự tiếp thu tiến độ khoa học kỹ thuật của thế giới.

Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long dựa trên ứng dụng giải pháp kết cấu mặt cầu bản thép liên hợp nhẹ, với công nghệ hàn đinh neo plasma (vào bản mặt thép) và bê tông siêu tính năng UHPC là công nghệ có tính kinh điển, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới.

Đến nay, các công đoạn chính của quá trình thi công đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng tương đương với tuổi thọ của kết cấu thép, có thể lên đến 30 năm.

Theo tính toán, cầu có chiều dài 1,7km, nếu xe chạy với tốc độ 80km/h sẽ lưu thông qua cầu nhanh hơn 25s so với tốc độ 60km/h.

Tuy nhiên, tác hại là xe chuyển động nhanh hơn khi phanh lại lại tạo nhiệt độ cao, gây nóng hơn gấp 1,5 lần, lực xung kích mạnh hơn. Nên chăng giới hạn tốc độ xe lưu thông qua cầu tối đa 60km/h, thời gian duy tu trung hạn là 5 năm/lần, đại tu 10 năm/lần.

Được biết, sau khi dự án hoàn thành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội quản lý khai thác, bảo trì.

Cầu Thăng Long sau hàng chục năm sử dụng đã xuống cấp phần mặt cầu. Qua nhiều lần sửa chữa nhưng không có kết quả, đơn vị quản lý vận hành hàng năm phải tiến hành sửa chữa, duy tu nhỏ. Mặc dù Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tham vấn các chuyên gia nước ngoài như từ Nga, Mỹ... nhưng đều không có kết quả.

Vừa qua, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long hơn 270 tỷ đồng với công nghệ của Việt Nam.