Lập lờ “đánh lận con đen” nhằm can thiệp và chống phá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không quá bất ngờ mỗi dịp tòa án ở nước ta mở phiên tòa xét xử các bị cáo phạm tội chống phá Nhà nước hay xâm phạm an ninh quốc gia thì một số cá nhân, tổ chức và cơ quan truyền thông “quen mặt” ở trong và ngoài nước lại cùng lớn giọng trong “dàn đồng ca” vu cáo, xuyên tạc “Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận”, “bóp nghẹt tự do báo chí”…
Đội ngũ báo chí Việt nam ngày càng phát triển lớn mạnh và có những đóng góp hiệu quả và thiết thực vào sự phát triển của đất nước

Đội ngũ báo chí Việt nam ngày càng phát triển lớn mạnh và có những đóng góp hiệu quả và thiết thực vào sự phát triển của đất nước

Vi phạm pháp luật phải bị trừng trị theo pháp luật

Thời gian qua, theo tiến trình tố tụng, các tòa án ở nước ta đưa ra xét xử một số đối tượng về các tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Trong đó, mới đây nhất là ngày 14-12 vừa qua, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Đoan Trang (SN 1978, trú tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội) 9 năm tù về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trước đó, Tòa án nhân dân TP.HCM 5-1-2021 đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Dũng 15 năm tù; các bị cáo Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, mỗi bị cáo 11 năm tù, cùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Như bao vụ án hình sự khác ở nước ta, quá trình điều tra, truy tố và xét xử các bị cáo Phạm Thị Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy hay Lê Hữu Minh Tuấn đều diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng, trong những dịp này, lại thấy một số cá nhân, tổ chức, trang mạng xã hội, cơ quan truyền thông… ở trong và ngoài nước lại đồng loạt tung ra những thông tin, luận điệu xuyên tạc, bóp méo, vu cáo, lên án và chỉ trích Việt Nam. Đó là những cá nhân, đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị và chống đối ở trong và ngoài nước cùng một số tổ chức, đài báo ở nước ngoài có quan điểm, tư tưởng thù địch với Việt Nam như Đài châu Á tự do (RFA), Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức theo dõi nhân quyền thế giới (HRW), Tổ chức bảo vệ ký giả (CPJ)…

CPJ trong một thông cáo báo chí đã trắng trợn vu cáo “Nhà nước Việt Nam là một trong 3 nước giam giữ nhiều nhà báo nhất trên thế giới”. Tổ chức này cao giọng “phán” rằng, “Việt Nam vi phạm tự do báo chí nghiêm trọng”, đòi “Việt Nam phải “trả tự do cho các nhà báo”… Những “nhà báo” này, theo CPJ, là các đối tượng đã bị đưa ra xét xử công khai và kết án như Thị Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy… Cùng “kẻ tung, người hứng” những luận điệu trên, HRW cũng cố tình xuyên tạc “chính quyền Việt Nam cần gỡ bỏ điều mà tổ chức thù địch có tiếng với Việt Nam này cho rằng “mang tính chất chính trị”. Tổ chức này cũng lớn tiếng đòi Việt Nam phải “trả tự do ngay lập tức cho Phạm Thị Đoan Trang”.

Nếu nhìn vào quá trình tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử và kết án) đối với các đối tượng mà một số cá nhân, tổ chức, báo đài thù địch, chống đối đồng thanh lên tiếng bênh vực, bảo vệ cũng như vu cáo và ra yêu sách với Nhà nước Việt Nam có thể thấy rõ như ban ngày hành vi phạm tội theo luật pháp luật hiện hành của những đối tượng này. Những hành vi phạm tội đó đã được chỉ rõ với các tài liệu, chứng cứ không thể bác bỏ tại các phiên tòa xét xử. Từ đó, những bản án nghiêm minh, đúng pháp luật đã được tuyên đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Thất bại thấy trước của mọi mưu đồ

Có một điều cũng cần khẳng định để bác bỏ mọi toan tính hòng nhập nhèm, “đánh lận con đen” khi một số cá nhân, tổ chức và báo đài cố tình gán ghép, khoác cho các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật ở Việt Nam những cái mác như “nhà báo”, “nhà báo tự do”, “nhà báo độc lập”… Tuy nhiên, chiểu theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, không có bất kỳ đối tượng nào trong số những đối tượng vi phạm pháp luật này là nhà báo.

Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ, nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo, hoạt động trong tại một cơ quan báo chí. Luật Báo chí cũng quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của nhà báo. Để trở thành một nhà báo được công nhận và hoạt động hợp pháp tại nước ta cần phải đáp ứng các quy định pháp luật; nhà báo hiển nhiên là phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, trong đó có Luật Báo chí. Trong khi đó, các đối tượng như Phạm Thị Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng… đều không có thẻ nhà báo và cũng không ở trong một cơ quan báo chí nào khi có các hành vi vi phạm pháp luật. Nói cách khác, đây đều là những đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ, lợi dụng tự do ngôn luận để tự phong cho mình là nhà báo để tung ra các thông tin, bài viết chống phá Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Vì thế, những đối tượng bị tiến hành điều tra, truy tố, xét xử và tuyên án đều những đối tượng vi phạm pháp luật, không có bất kỳ ai là nhà báo theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc một số cá nhân, tổ chức, báo đài cố tình nhập nhèm “đánh lận con đen” rằng đó là những “nhà báo” đấu tranh cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, dân chủ, nhân quyền là nhằm dụng ý đen tối can thiệp vào công việc nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước và sự bình yên của đất nước ta. Tuy nhiên, mọi sự can thiệp và chống phá đó đều đã, đang và sẽ thất bại. Thất bại trước hết bởi những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng mà họ bênh vực, ủng hộ và hậu thuẫn là quá rõ ràng chiểu theo luật pháp hiện hành tại Việt Nam. Thất bại bởi thực tế, hiện thực sống động tại nước ta hoàn toàn trái ngược với những vì mà họ cố tình bóp méo, xuyên tạc, vụ cáo với ý đồ thâm hiểm, xấu xa.

Chúng ta hoàn toàn có quyền khẳng định như vậy bởi vấn đề tự do ngôn luận nói chung, tự do báo chí nói riêng cũng như bảo đảm cho nhà báo được hoạt động thuận lợi theo đúng quy định của pháp luật, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Trong đó, Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Trong các luật được ban hành thời gian gần đây, như Luật Báo chí (năm 2016); Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016); Luật An ninh mạng (năm 2018)…, vấn đề tự do ngôn luận luôn được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế. Báo chí Việt Nam những năm qua tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, chất lượng. Tính đến hết năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó hơn 21.000 trường hợp đã được cấp Thẻ nhà báo, khoảng 25 nghìn người có Thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Sự lớn mạnh và đóng góp thiết thực, hiệu quả của báo chí cách mạng, của đội ngũ nhà báo Việt Nam cho sự phát triển của đất nước về mọi mặt càng được thấy rõ và khẳng định thêm qua Đại hội lần thứ XI Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam. Với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hướng cho đội ngũ những người làm báo cả nước tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam, chung sức đồng lòng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí Cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng.