Lập liên danh “ma quỷ” lừa đảo cả chục tỷ đồng

ANTĐ - Chỉ “nghe hơi nồi chõ”, nhưng tổng giám đốc doanh nghiệp và một luật sư lại nghĩ ngay tới việc thành lập một liên danh “ma quỷ”, hòng được san lấp mặt bằng một dự án tầm cỡ. Nhưng rồi các cổ đông sau khi góp vốn cả chục tỷ đồng đã nhận ra đó chỉ là trò lừa đảo.

Cặp đôi diễn trò “ảo thuật” chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại

Hôm qua (8-7), TAND TP Hà Nội đã tiến hành phiên xét xử đối với Nguyễn Việt Hà (SN 1962, trú ở phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) – nguyên Trưởng văn phòng Luật sư Việt Mỹ và Nguyễn Huy Vui (SN 1964, ở xã Đông Ninh, Khoái Châu, Hưng Yên) – nguyên TGĐ Công ty CP Đầu tư Quang Tấn, theo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại là hai cá nhân và hai đại diện cho các doanh nghiệp từng có thời gian gửi trọn niềm tin vào cặp đôi lừa đảo.

Trong một lần đi công tác vào TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Việt Hà tình cờ được một người có tên là Nguyễn Quang Hòa (không rõ lai lịch) “bật mí” cho biết ông ta có thể giúp một doanh nghiệp nào đó được tham gia dự thầu san lấp mặt bằng ở dự án Sân bay quốc tế Phú Quốc. Trở lại Hà Nội, luật sư này lập tức móc nối với Nguyễn Huy Vui để kêu gọi một số doanh nghiệp cùng hùn vốn làm ăn. Sau khi vạch kế hoạch, Hà và Vui tung tin về dự án của mình. Tháng 2-2010, thông qua một người bạn, ông Nguyễn Minh Chính (trú ở Đông Anh, Hà Nội) tìm đến đặt vấn đề với Vui để được góp mặt vào dự án này. Ba hoa về đại dự án lên tới hàng chục triệu mét khối san lấp, nguyên TGĐ Công ty CP Đầu tư Quang Tấn gợi mở muốn nhận được hợp đồng thì cần phải có sự liên kết của nhiều doanh nghiệp. Không bỏ qua cơ hội làm ăn, ngay sau đó, ông Chính nhờ người mối lái để gặp gỡ và hợp tác với ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc Công ty TNHH Mê Kông Á Châu. Ngay sau đó, theo yêu cầu của đối tác, ông Chính đã đưa cho Vui 200 triệu đồng để công ty của ông Đức có cơ hội tham gia dự án.

Cùng thời gian đó, Vui tiếp tục quảng bá năng lực của bản thân với bà Nguyễn Kim Vân – Giám đốc Công ty TNHH Quang Minh về các yêu cầu, điều kiện tham gia dự án. Để rồi ngày 3-3-2010, Vui đứng ra thành lập liên danh các công ty có nhu cầu trúng thầu trong dự án san lấp mặt bằng Sân bay quốc tế Phú Quốc. Thành phần góp vốn ở liên danh này gồm đại diện của nhiều pháp nhân, trong đó có ông Đức và bà Vân. Nhằm thuận tiện trong việc giao dịch, giành được hợp đồng trúng thầu, Vui đề xuất và được các thành viên trong liên danh chấp thuận cho ông ta cùng Hà thay mặt họ giải quyết mọi vướng mắc liên quan đến dự án. Có được “bảo bối” trong tay, Vui yêu cầu ông Chính, ông Đức tạm chuyển ngay cho ông ta 3 tỷ đồng để chi phí và lấy hồ sơ tham gia dự án. Ngày 19-3-2010, một liên danh khác gồm công ty của Vui, công ty của ông Đức và Công ty CP Khoáng sản Việt Mỹ (em trai Hà làm giám đốc) đứng tên tham gia góp vốn. Từ đây, Vui tiếp tục yêu cầu ông Đức phải góp thêm 6,1 tỷ đồng nữa. Tổng cộng, tính đến tháng 6-2010, cặp đôi Vui - Hà đã nhận của ông Chính và ông Đức 9,1 tỉ đồng. Trong khi đó, công ty do em trai Hà đứng tên không hề bỏ ra một đồng xu nào. 

Sau đó, Vui tiếp tục đề nghị bà Vân đưa tiền vào “quỹ đầu tư” chung. Từ ngày 1-4 đến 17-7-2010, bà Vân đã nhiều lần giao tiền cho Vui với tổng số tiền 1 tỷ đồng. Sau này, bà Vân đã giao cho Vui và Hà tổng số tiền 2,6 tỷ đồng với mong muốn có “chân” trong dự án san lấp mặt bằng Sân bay quốc tế Phú Quốc. Tuy nhiên, giữa lúc các bên đang bị Vui và Hà diễn trò “ảo thuật” thì họ đã kịp nhận ra liên danh “ma quỷ” kia chỉ là trò lừa bịp của nguyên TGĐ Công ty CP Đầu tư Quang Tấn và Trưởng văn phòng Luật sư Việt Mỹ. Không đòi được tiền, các đối tác của Hà và Vui lần lượt có đơn tố cáo tới cơ quan công an.  

Tài liệu của tòa án xác định, dù không có khả năng, không thuộc thành phần của chủ đầu tư Sân bay quốc tế Phú Quốc và cũng không thuộc một trong các nhà thầu thi công dự án này, nhưng Nguyễn Việt Hà và Nguyễn Huy Vui vẫn đưa ra “bánh vẽ” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Bằng thủ đoạn gian dối ấy, cặp đôi này đã chiếm đoạt 11,7 tỷ đồng của hai cá nhân và hai doanh nghiệp… Quá trình điều tra và ngay tại tòa, hai bị cáo luôn đổ vấy trách nhiệm cho nhau, đồng thời cho rằng số tiền trên là do vay mượn, chứ không phải do lừa đảo mà có. 

Sau sau 1 ngày xét xử, nhận thấy cáo trạng truy tố của VKS là căn cứ, song phần lớn hậu quả của vụ án đã được khắc phục nên TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt nguyên Trưởng phòng Luật sư Việt Mỹ 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng tội danh, nguyên TGĐ Công ty Đầu tư CP Quang Tấn cũng phải nhận 12 năm tù giam.