Lập hội không phải để… xin tiền

ANTD.VN - Ngày 22-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật về Hội, Chủ tịch Quốc hội đã nêu thực tế nhiều hội ra đời mời lãnh đạo Bộ, ngành nghỉ hưu về phụ trách, rồi đi xin đủ thứ từ trụ sở, xe, đến kinh phí hoạt động. 

Minh họa:  Tuấn Anh

Nêu vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đều đặt yêu cầu về một hành lang pháp lý chặt chẽ trong việc thành lập, hoạt động của các hội sẽ được quy định trong Luật về Hội, để tránh những lãng phí, kém hiệu quả của các hội.

Theo tờ trình dự án Luật về Hội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày, tính đến tháng 12-2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù.

Trong khi đó, theo điều tra của Viện Nghiên cứu Chính sách kinh tế (ĐHQG Hà Nội), ngân sách Nhà nước dành cho các tổ chức hội năm 2016 là 14.000 tỉ đồng, còn tính cả tài sản của các tổ chức hội là 68.000 tỉ đồng, bằng 1,7% GDP. Hiện có khoảng 8.800 hội có tính chất đặc thù, các hội tiếp tục cơ chế xin tổ chức đặc thù để được… xin tiền. 

Đây quả là những con số khổng lồ. Nhưng đáng nói là hiện đa phần các hội sử dụng tiền ngân sách đều hoạt động theo xu hướng hành chính hóa, kém hiệu quả, rất hình thức. Nhiều hội do các cán bộ, lãnh đạo bộ, ngành về hưu, thậm chí là đương chức phụ trách, không chỉ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, lợi dụng ảnh hưởng trong lĩnh vực mình phụ trách để mang lại lợi ích cá nhân mà còn gây nên sự trì trệ trong hoạt động.

Theo khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), hiện có đến 26 vị Bộ trưởng về hưu được bầu làm Chủ tịch các hiệp hội. Trong khi các lãnh đạo về hưu thường làm việc theo phong cách hành chính và “già nua”, không còn phù hợp với cơ chế hoạt động năng động của các hiệp hội.

Không chỉ vậy, việc chưa tạo ra được các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ thiết thực để hỗ trợ các hội viên và có nguồn thu mà chỉ hoạt động dựa trên việc thu phí đã khiến cho hiệu quả hoạt động của các hiệp hội bị đánh giá thấp, không thu hút được các doanh nghiệp tham gia.

Có tới 70% doanh nghiệp không muốn tham gia hiệp hội, trong 78 hiệp hội doanh nghiệp được VCCI khảo sát, có 10 hiệp hội đối mặt với tình trạng suy giảm mạnh hội viên do không cung cấp được những dịch vụ mà hội viên mong muốn.

Vì vậy, các đại biểu và cử tri kỳ vọng những nội dung quy định trong Luật về Hội, một mặt phải bảo đảm cho công dân thực hiện quyền lập hội của mình, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, đồng thời vẫn phải bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.

Các hiệp hội phải hoạt động có hiệu quả, thực sự trở thành cầu nối phản biện, tham vấn chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.