Lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận nghệ thuật chèo là Di sản Văn hóa thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng và võ cổ truyền Bình Định sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch lập hồ sơ di sản, đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới .

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản 7611/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập hồ sơ di sản đối với 2 di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng và Võ cổ truyền Bình Định, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Nghệ thuật chèo truyền thống có quá trình phát triển lâu dài từ thế kỷ thứ 10 đến nay

Nghệ thuật chèo truyền thống có quá trình phát triển lâu dài từ thế kỷ thứ 10 đến nay

Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam, phát triển mạnh ở phía Bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng châu thổ sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình.

Nghệ thuật sân khấu chèo đã trải qua quá trình lịch sử lâu dài từ thế kỉ 10 tới nay, đã đi sâu vào đời sống xã hội Việt Nam. Chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ của người Việt: Tinh thần lạc quan, lòng nhân ái, yêu cuộc sống, lòng tự hào dân tộc...

Cũng chính vì nội dung tư tưởng đó mà trong chèo có đầy đủ các thể loại văn học: Trữ tình, lãng mạn, anh hùng ca, sử thi, thơ ca giáo huấn...

Võ Bình Định đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Võ Bình Định đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Được mệnh danh là “miền đất võ”, Bình Định được coi là cái nôi của nền võ học chân truyền Việt Nam. Năm 2014, võ Bình Định đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Võ cổ truyền Bình Định xuất hiện từ rất sớm, đến thời Tây Sơn, vào thế kỷ 18 thì thể hiện rõ nét.

Hình ảnh “con gái Bình Định múa roi, đi quyền” đã đi vào ca dao, vào sử sách trở thành niềm tự hào của vùng đất Bình Định này, nơi già trẻ, gái trai có chung niềm say mê luyện võ. Cũng chính niềm đam mê ấy khiến cho nền võ thuật này có sức sống mãnh liệt.

Qua hàng trăm năm chọn lọc, lưu truyền và phát triển, được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác, lan tỏa từ dòng họ này sang dòng họ khác, võ Bình Định trở thành di sản văn hóa phi vật thể độc đáo gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Hàng chục nghìn người trong cả nước, trên khắp thế giới đã học võ Việt, võ Bình Định và tìm thấy ở đó nhiều triết lý sống, nhiều giá trị võ thuật, văn hóa độc đáo.