Lão nông có "đôi tay vàng"

ANTĐ - Chưa từng học qua một lớp đào tạo nào về điêu khắc, cũng chưa được tập huấn bất cứ một khóa học nào về hội họa. Thế nhưng bằng bàn tay khéo léo bẩm sinh của mình, ông đã tự chế tác những khúc cây, hòn đá... thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có hồn khiến người khác phải khâm phục. Người được mệnh danh là lão nông có "đôi tay vàng” đó chính là Hoàng Văn Tế (71 tuổi) ở xóm 7, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Lão nông có "đôi tay vàng" ảnh 1

Xuất phát từ lòng thành kính

Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi khi bước vào căn nhà nhỏ của ông Tế là hàng nghìn sản phẩm bằng gỗ, đá, thạch cao... được chế tác thành những bức tranh, bức tượng trang trí trong căn phòng rộng gần 100 mét vuông. Tâm sự với chúng tôi ông bảo: “Tôi làm việc này chỉ xuất phát từ lòng thành kính, mến mộ Bác Hồ và những người cầm súng bảo vệ tổ quốc mà thôi”.

Nhớ lại kỷ niệm lần đầu tiên thực hiện tác phẩm của mình trong một lần đi cày ruộng, tôi nhặt được một miếng gỗ mít thấy hình dáng hay hay, liền mang về nhà, nhìn phía trước thì nó giống hình một chiếc máy bay, nhìn phía sau lại giống một dãy núi mờ mờ lẫn trong mây. Thế là ông tưởng tượng hình ảnh anh bộ đội bắn máy bay Mỹ. 3 ngày đục đục khoét khoét, bức tượng hoàn thành. Ông để ngay ngắn trong tủ và cứ ngắm mãi không chán. Sau đó có một anh sĩ quan quân đội tận Đắk Lắk đến nhà thấy thích thế là tôi tặng luôn cho người đó. 

Sau khi đẽo bức tượng đầu tiên, ông đâm cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn tưởng tượng ra những thước phim về chiến dịch Điện Biên Phủ, những hình ảnh về 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc... mà mình được xem trên tivi thế là hễ thấy vật gì bắt mắt là ông Tế gom về làm chất liệu sáng tác. Rồi cái công việc  đó  đã gắn với ông đằng đẵng đã hơn 10 năm trời.

Nhiều lúc ông mê đúc tượng đến mức quên cả ăn cả ngủ.  Rồi ông Tế bất ngờ chỉ tay vào một tác phẩm mà ông cho đó minh chứng về cái hồn của ông đã ăn sâu trong tác phẩm đó: "Một lần đang xem phim tư liệu về Mùa xuân đại thắng năm 1975. Bất ngờ tôi liên tưởng đến hình ảnh 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, những người hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho những chuyến xe thông đường ra tuyền tuyến góp phần làm nên cuộc chiến tranh thần thánh. Thế là ngày hôm sau tôi tìm loại chất liệu mới là vỏ ngao, vỏ sò, xà cừ để ghép thành bức tranh 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc trước cánh cửa tủ”. Nhiều người đến nhà cũng tỏ ra thích thú với tác phẩm này làm ông Tế càng say mê hơn với công việc.

Từ đó trở đi, tôi càng say mê hơn nghệ thuật của mình và dần dần cho ra đời bức tượng:  Bác Hồ tại chiến dịch điện Biên Phủ 1954; Anh bộ đội Cụ Hồ, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Nạn nhân chất độc da cam đòi công lý… Tất cả các tác phẩm đều mang tính nhân văn, rất “có hồn” mà mọi người khi chiêm ngưỡng đều cho đó chính là nỗi lòng của một người nghệ nhân đã in dấu qua các sản phẩm.

Đến ước muốn được làm từ thiện

Đến nay đã bước qua cái tuổi bảy mươi, nhưng ông Tế vẫn chưa hết niềm đam mê về nghệ thuật của mình, ngày ngày ông vẫn cần mẫn khiến cho những khúc gỗ, hòn đá vô hình trở thành những sản phẩm có giá trị. Vừa kể chuyện với chúng tôi ông vừa cố gắng làm nốt một tác phẩm mà theo ông là rất ý nghĩa mà ông đã ấp ủ gần 2 năm nay nhưng vẫn chưa xong và ông cũng muốn bí mật về tác phẩm mới của mình.

Sản phẩm dưới đôi bàn tay của ông Tế chưa từng được đem đi dự thi hay triển lãm nhưng tiếng tăm thì đã bay xa, ông kể: "Đã rất nhiều lần có nhiều người từ trong Nam ngoài Bắc về tận nhà chiêm ngưỡng những tác phẩm của ông, có người  trả giá giá hàng trăm thậm chí hàng chục triệu đồng để được sở hữu những tác phẩm này nhưng ông đều quả quyết không bán. Ồng cho rằng mình làm nghệ thuật không phải để bán kiếm lời, mà là để thể hiện tấm lòng của mình, một người nông dân chân lấm tay bùn vẫn một lòng tin tưởng vào Đảng, mãi mãi đi theo hình bóng của Bác và anh bộ đội cụ Hồ. Vì vậy nên đến nay ông chưa một lần bán tác phẩm của mình để lấy tiền.

Khi được hỏi về nguyện vọng của mình sau này? Ông Tế nói: "Tôi muốn những bức tượng của mình được một tổ chức nào đó đứng ra đấu giá ít ra cũng được một số tiền nho nhỏ để giúp những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Được như vậy thì tôi vui lắm vì sản phẩm của mình đã có ích”, ông Tế rưng rưng hàng nước mắt.