Lao động nhập cư ở Thái Lan được chia sẻ, đùm bọc trong mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đối với Tun Nye - lao động nhập cư 31 tuổi người Myanmar, bao gạo, cá hộp và các mặt hàng chủ lực khác do các tình nguyện viên đủ giúp họ không phải chịu nhịn đói trong tuần đó. “Đã 3-4 tháng không có tiền, chúng tôi không đủ ăn. Về Myanmar thì không được, ở đó còn tệ hơn”, Tun Nye nói.
Nhiều công nhân nhập cư người Myanmar rơi vào cảnh mất hẳn thu nhập do các công trường xây dựng đóng cửa để phòng dịch

Nhiều công nhân nhập cư người Myanmar rơi vào cảnh mất hẳn thu nhập do các công trường xây dựng đóng cửa để phòng dịch

Suốt 2 tháng, thợ mộc Tun Nye không thể gửi bất kỳ khoản tiền nào về nhà cho cha mẹ ở Myanmar để họ chăm sóc cậu con trai 11 tuổi của anh, do chính quyền Thái Lan đóng cửa các công trường xây dựng để phòng ngừa đại dịch. Không có việc làm đồng nghĩa với việc vợ chồng Tun Nye không có thu nhập và họ bị kẹt lại tại 1 trong hơn 600 trại công nhân rải rác quanh Bangkok. Nhưng trong đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất ở Thái Lan, may mắn là những trại công nhân này đã nhận được sự trợ giúp rất lớn từ các nhóm tình nguyện.

Greg Lange, một trong những người đồng sáng lập Tổ chức Trợ giúp Cộng đồng Bangkok cho biết, tổ chức này cung cấp khoảng 3.000 bữa ăn nóng mỗi ngày và tới 600 “túi sinh tồn” như vợ chồng Tun Nye đã nhận. Được thành lập từ trận đại dịch năm ngoái, họ hiện có hơn 400 tình nguyện viên Thái Lan và người nước ngoài như Lange, một người 62 tuổi gốc Florida đã sống ở Thái Lan trong 20 năm với nghề kinh doanh nhà hàng. Tổ chức Trợ giúp Cộng đồng Bangkok nhận được các khoản đóng góp từ các tập đoàn, cá nhân và thậm chí cả chính phủ.

Khi các bệnh viện trở nên quá tải đến mức không thể tiếp nhận bệnh nhân Covid-19, nhóm tình nguyện đã mang oxy đến nhà của họ, hy vọng giữ họ sống đủ lâu để chờ có giường chăm sóc tích cực. “Chúng tôi chủ yếu giúp mọi người vượt qua thời gian khó khăn này bằng việc cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhưng cũng chứng kiến những người chết vì bệnh dịch mà lực bất tòng tâm”, Friso Poldervaart, một người Hà Lan mới 29 tuổi nhưng đã sống ở Thái Lan 10 năm cho biết. “May mắn là tình hình hiện giờ đã khá hơn một chút, giường bệnh nhiều hơn và chương trình cách ly tại nhà của chính phủ hoạt động tốt hơn, nhưng chúng tôi vẫn đưa 20 đến 30 người đến bệnh viện mỗi ngày và vẫn mang oxy đến các nhà”, Friso Poldervaart nói.

Khi các công trường xây dựng bắt đầu đóng cửa, một nhóm cư dân Bangkok đã thành lập nhóm một nền tảng trực tuyến để hỗ trợ các khu trại công nhân. Đáng nói, nhiều người nghèo đến nỗi họ lẻn ra khỏi nơi cách ly để kiếm việc, nuôi sống gia đình họ. Yuwadee, 32 tuổi, cho biết: “Nếu không có các tình nguyện viên, chúng tôi sẽ chứng kiến nhiều người chết hơn vì họ không thể nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ. Số lượng tình nguyện viên ở Thái Lan đã tăng lên - điều này cho thấy sự hào phóng của người dân Thái Lan trong thời kỳ khủng hoảng chưa từng có này”.

Tổ chức Trợ giúp Cộng đồng Bangkok, kết hợp với chính quyền địa phương, tuần trước đã mở một trung tâm cách ly 52 giường tại một trường tiểu học, vốn đóng cửa do đại dịch. Và cuối tuần qua, các tình nguyện viên đã tổ chức xét nghiệm toàn bộ khu vực lân cận để có được dữ liệu tốt hơn về tỷ lệ lây nhiễm. Poldervaart nói: “Chúng tôi không dừng lại. Chúng tôi sẽ thay đổi linh hoạt trước tình hình mới”.

Các ca nhiễm mới ở Thái Lan dao động trong khoảng 15.000 ca mắc mới mỗi ngày gần đây. Quốc gia này cũng đã xác nhận 1,2 triệu số người mắc và hơn 12.800 người tử vong trong đại dịch. Tiến sĩ Taweesap Siraprapasiri, một nhà dịch tễ học là cố vấn cấp cao tại Cục Kiểm soát Dịch bệnh của chính phủ cho biết: “Về số lượng ca bệnh, chúng tôi thấy rằng con số vẫn cao nhưng xu hướng đang tốt hơn”. Các hạn chế về phong tỏa đã được nới lỏng vào tuần trước và nhiều dự án xây dựng đã được “bật đèn xanh” để hoạt động trở lại, dưới sự giám sát chặt chẽ. Ông Taweesap cho biết, nhiều công nhân xây dựng hiện đã nhận được liều vaccine đầu tiên.