Lao động “lội ngược dòng”

ANTĐ - Nếu theo dõi một số thị trường, các chuyên gia có thể phát hiện một số quy luật diễn biến theo chu kỳ. Thị trường lao động sau Tết Nguyên đán thường rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Ngay cả lao động phổ thông đơn giản như người giúp việc gia đình, lao động làm thuê cho các nhà hàng, dịch vụ trong các đô thị cũng rất căng thẳng. Hiện tượng người lao động bỏ việc không lý do, “nhảy việc”, nhất là lao động “lội ngược dòng” di cư từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ vùng này sang vùng kia khiến cho giới doanh nghiệp, công ty trong và ngoài các khu công nghiệp lao đao.

Mặc dù giới doanh nghiệp đã tiên liệu trước thực trạng, đã có nhiều động thái, chủ trương giữ chân người lao động từ trước tết với những món tiền thưởng, quà tết cùng những ưu đãi khá “hậu hĩnh”. Song, mọi sự lôi kéo hấp dẫn đến mấy cũng không thể cản nổi bước chân của dòng người lao động di cư “ngược” theo tiếng gọi của đồng lương, việc làm, chỗ ở cùng một loạt những sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu của họ.

Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phác họa “bức tranh” thị trường lao động năm 2012 không mấy sáng sủa. “Mảng xám” bao trùm toàn cảnh vẫn là thiếu việc làm, ngay cả khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cũng giảm khoảng 500.000 - 600.000. Nguyên nhân dễ nhận thấy là đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dành cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, các công trình hạ tầng và đô thị hóa. Trong khi đó, khả năng thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn quá “còi cọc”, không thể thỏa mãn việc làm tại chỗ cho người lao động địa phương, kể cả tại các tỉnh bị thu hồi đất nông nghiệp. Mục tiêu của ngành lao động trong năm 2012 là tạo việc làm mới cho 1,6 triệu lao động, trong khi ước tính tỷ lệ thất nghiệp sẽ căng thẳng hơn khi có thêm 1,5-1,6 triệu thanh niên sẽ bước vào tuổi lao động.

Đây là cái đích rất khó đạt được khi ngành lao động mong muốn kéo tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống  dưới 4,3% và hạ cơ cấu lao động nông nghiệp xuống còn 46%, đồng thời nâng tỷ trọng lao động trong công nghiệp lên 23% và dịch vụ lên 31%. Những mục tiêu này liệu có quá cao và xa không, khi mà hiện tượng lao động “lội ngược dòng” ngày càng có chiều hướng mạnh lên. Cách đây mới mươi, mười lăm năm, các khu công nghiệp ở TP.HCM và Hà Nội nở rộ tạo ra sức hút khó cưỡng nổi đối với đội quân lao động đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Thanh Hóa, Nghệ An. Hà Tĩnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Những năm gần đây, sức hút đó đang giảm dần bởi hầu hết các địa phương đều có những địa điểm đủ sức lôi kéo lao động trở về địa phương cũng như từ các đô thị lớn đến làm việc. Đây cũng là một xu thế tất yếu và là dấu hiệu tích cực của thị trường lao động. Hiện tượng lao động “nhảy việc”, “di cư ngược” chính là sự điều tiết tự nhiên của cơ chế thị trường, không nên coi đây là nguyên nhân xáo trộn nguồn lao động. Vấn đề đặt ra cho ngành quản lý lao động, đặc biệt các doanh nghiệp là phải xử lý như thế nào. Khi lao động bỏ đi nhiều thì bản thân doanh nghiệp phải nhìn lại cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ của mình.

Một năm phấn đấu tạo việc làm cho 1,51 triệu lao động là một mục tiêu đầy thách thức, song nếu nỗ lực hết sức vẫn có thể đạt được. Tạo thêm việc làm mới là công việc khó khăn hiện nay, nhưng khó hơn là ổn định việc làm, đời sống người lao động để họ yên tâm và gắn bó. Phải coi nguồn lao động là “tài sản” lớn nhất của doanh nghiệp.