Lãnh đạo TP Hà Nội chỉ ra "bài toán sống còn" để bảo tồn, phát triển các làng nghề

ANTD.VN -Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề và nghề truyền thống song nhìn khách quan thì mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ còn hạn chế… Sáng nay, 1-9, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tổ chức gặp mặt đại biểu nghệ nhân, thợ giỏi thủ công mỹ nghệ Thủ đô để bàn biện pháp phát triển mạnh mẽ hơn. 
Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề và nghề truyền thống song nhìn khách quan thì mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ còn hạn chế… Sáng nay, 1-9, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tổ chức gặp mặt đại biểu nghệ nhân, thợ giỏi thủ công mỹ nghệ Thủ đô để bàn biện pháp phát triển mạnh mẽ hơn.

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội gặp mặt các nghệ nhân, thợ thủ công mỹ nghệ giỏi Thủ đô

Thương hiệu, năng lực cạnh tranh còn yếu

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, có 47 nghề trong tổng số 52 nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc như: sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ, dát vàng bạc quỳ… thu hút hàng triệu lao động.  Năm 2015, giá trị sản xuất của làng nghề đạt gần 14.000 tỷ đồng và nhìn chung, thu nhập bình quan lao động làm nghề thủ công mỹ nghệ cao hơn thu nhập bình quân của lao động thuần nông.

Tại buổi gặp mặt với lãnh đạo thành phố sáng 1-9, một số Nghệ nhân nhân dân, thợ thủ công giỏi đã đề xuất thành phố xây dựng bảo tàng truyền thống nghề thủ công mỹ nghệ nhằm bảo tồn và giới thiệu nghề, các sản phẩm của các làng nghề thủ công mỹ nghệ Thủ đô với cả nước cũng như thế giới. Cùng đó, nhiều ý kiến đề nghị thành phố quan tâm, hỗ trợ xây dựng các vùng liên kết nguyên liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề; tạo cơ chế thông thoáng cho các làng nghề, quan tâm hơn đến đào tạo nghề…

Trao đổi với các nghệ nhân, thợ thủ công giỏi đại diện cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ của thành phố xung quanh những vấn đề các nghệ nhân, thợ thủ công đề xuất, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố sẵn sàng kết nối với các ngân hàng để các làng nghề được vay vốn với các nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp hơn.

Về mặt bằng sản xuất của các làng nghề hiện gặp nhiều khó khăn, thành phố đang cho rà soát, kiểm tra để quy hoạch lại làng nghề, có kế hoạch, tạo điều kiện mở rộng phát triển nơi sản xuất của các làng nghề đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Về mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết đây là vấn đề thành phố rất quan tâm, đã và đang tích cực triển khai và tới đây sẵn sàng giúp các làng nghề kết nối với các thị trường bên ngoài.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cũng thẳng thắn chia sẻ, hiện mẫu mã sản phẩm ở các làng nghề của chúng ta chưa phong phú, chưa tinh xảo, nhất là bao gói, hay do chưa quan tâm đến đăng ký bảo hộ sản phẩm nên khi xuất khẩu ra nước ngoài hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam chưa có nhiều các sản phẩm được thể hiện rõ ràng thương hiệu “Made in Việt Nam”.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, việc này tới đây phải đẩy mạnh, từ Hiệp hội đến các cơ sở, các hộ sản xuất phải quan tâm vì nó là yếu tố “sống còn” trong quá trình phát triển. Cùng đó, phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề đảm bảo môi trường, hạn chế ô nhiễm tại các làng nghề. Mặt khác, chính bản thân các làng nghề phải có chiến lược tìm kiếm các nguồn nguyên liệu bền vững, chủ động tìm kiếm những cách tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm mới hiệu quả hơn…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi gặp mặt các nghệ nhân

Phải biết tự cứu lấy mình

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Hà Nội luôn là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những tinh hoa văn hóa của dân tộc; là cái nôi của nhiều nghề thủ công, làng nghề, phố nghề truyền thống; nơi sản sinh, nuôi dưỡng, bồi đắp các tài năng trở thành nghệ nhân, thợ giỏi, thợ lành nghề.

Những năm qua, ngành thủ công mỹ nghệ Thủ đô đã được duy trì và ngày càng phát triển, đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng của kinh tế Thủ đô nói chung, ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nói riêng. Gần đây, nhiều nghề được khôi phục, phát triển. Nhiều làng nghề, phố nghề, sản phẩm nghề thủ công mỹ nghệ của Thủ đô đã trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước; tác động tích cực đến cả đến sự phát triển du lịch.

Dù vậy, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng bày tỏ băn khoăn, trăn trở khi chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của của các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ còn thấp. Năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Một số nhóm nghề thủ công mỹ nghệ phát triển manh mún, năng lực, sức cạnh tranh chưa cao. Đặc biệt là tình trạng nhiều nghề, làng nghề đang dần bị mai một, do các nghệ nhân có xu hướng bỏ nghề, lao động trẻ chưa thiết tha gắn bó với nghề. Ô nhiễm môi trường làng nghề đang là vấn đề bức xúc…

Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch sẽ tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Thành phố quan tâm. Song muốn vậy, bên cạnh sự cố gắng của thành phố, rất cần sự chung tay, góp sức, sự vào cuộc tích cực của các hội quần chúng, hội nghề nghiệp và của đội ngũ nghệ nhân, thợ thủ công mỹ nghệ Thành phố.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải lưu ý, sức ép về cạnh tranh đối với các làng nghề hiện nay lớn hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Do đó, việc phải khắc phục các hạn chế, đồng lòng và sáng tạo hơn là vấn đề sống còn nếu muốn duy trì, phát triển.

“Song bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để chúng ta phát triển khi thị trường được mở rộng, nhất là xu hướng tất yếu về việc kết nối giữa phát triển các làng nghề truyền thống với phát triển du lịch sẽ mở ra thời cơ phát triển mạnh mẽ cho các làng nghề” – Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nói.

Về đề xuất xây dựng Bảo tàng truyền thống nghề thủ công mỹ nghệ Thủ đô, Bí thư Thành ủy cho biết trước mắt sẽ giao cho Bảo tàng Hà Nội sắp xếp, bố trí nơi để các làng nghề có thể trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình.