Lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến “lên rừng, xuống biển”, tháo gỡ nhiều ách tắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tổng kết: Trong nhiệm kỳ 2021-2026, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển”, chỉ đạo cơ sở kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại Quốc hội sáng 24-3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại Quốc hội sáng 24-3

Ba đột phá chiến lược tấn công vào các “điểm nghẽn”

Sáng nay, 24-3, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Theo đó, trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn do các sự cố môi trường, thiên tai, dịch bệnh… vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ.

Thế nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong 5 năm qua, chúng ta đã đoàn kết cùng nhau khắc phục nhiều hạn chế, bất cập nội tại để đạt được những kết quả ấn tượng.

“Với tinh thần bám sát thực tiễn, giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Điểm lại những nội dung chủ yếu trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ trên một số lĩnh vực ở nhiệm kỳ này, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã tập trung vào 3 đột phát chiến lược.

Đột phá quan trọng, mở đường là đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Đến nay, chỉ còn 12 văn bản nợ đọng, thấp nhất trong nhiều nhiệm kỳ. Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác để rà soát chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội.

Thứ hai là đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tấn công vào “điểm nghẽn” kéo dài này, Chính phủ luôn nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, với đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo.

Thứ ba là đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ, mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bên hành lang Quốc hội sáng 24-3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bên hành lang Quốc hội sáng 24-3

Quy mô kinh tế của Việt Nam đã tăng 11 bậc sau 5 năm

Cùng đó, Chính phủ đã kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) gắn với triển khai kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm; cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn.

“Có thể tự tin cho rằng, nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016 - 2019, chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch Covid-19” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cũng không thể bỏ qua dấu ấn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Với những giải pháp quyết liệt thực hiện “nhiệm vụ kép”, GDP năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng 2,91%, là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á.

Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%; bình quân 2016 - 2020 đạt 5,99%, cao hơn 5,91% của giai đoạn 2011 - 2015, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.

“Phát biểu trước Quốc hội thời điểm đầu nhiệm kỳ, tôi đã nêu: Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48. Nhưng rất tự hào là đến nay xếp hạng của nước ta đã tăng 11 bậc (vượt qua 11 quốc gia) đứng thứ 37 thế giới.

Dù con đường đi lên còn đầy khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng không lâu nữa Việt Nam sẽ bước sang ngưỡng thu nhập trung bình cao và gia nhập Nhóm nước phát triển có thu nhập cao vào 2045” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Tin cùng chuyên mục