Lãnh đạo bệnh viện đừng tơ hào thì sẽ giảm bức xúc

ANTĐ - Trong khi ngành y tế đang nỗ lực nâng cao y đức để hướng tới sự hài lòng của người bệnh thì có một sự thật đáng buồn là không ít người khi đến bệnh viện chưa kịp gặp y, bác sĩ đã bị “quát” từ vòng gửi xe cho đến “ông” bảo vệ. Để khắc phục, Bộ Y tế vừa yêu cầu các bệnh viện rà soát, chấn chỉnh ngay những hợp đồng thuê dịch vụ, song theo nhiều người trong cuộc, việc này không dễ.

Dịch vụ vận chuyển cấp cứu người bệnh trong các bệnh viện đang gây nhiều bức xúc

Giám đốc bệnh viện cũng “bất lực”?

Với chủ trương khuyến khích các bệnh viện tự chủ, tự hạch toán, hiện nay, phần lớn bệnh viện công lập đã tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng thuê khoán dịch vụ đi kèm phục vụ bệnh nhân như trông giữ xe, bảo vệ, vận chuyển cấp cứu, căng tin bệnh viện, kể cả những dịch vụ như xử lý chất thải y tế, bảo quản tử thi, tang lễ... Ngày 26-7, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho rằng, việc thuê khoán này là xu thế phát triển tất yếu và “thoạt nhìn thì tưởng đơn giản song đây lại chính là khu vực rất dễ nảy sinh sai trái, gây bức xúc cho người bệnh và cộng đồng”.

Theo ông Nguyễn Anh Trí, vụ việc bảo vệ của Công ty AZ do Bệnh viện Nhi Trung ương hợp đồng thuê chặn xe cứu thương chở bệnh nhi hấp hối khiến dư luận phẫn nộ thời gian qua không phải cá biệt. 

Khâu quản lý các dịch vụ đi kèm này cũng không đơn giản bởi trong nhiều trường hợp nó không hoàn toàn thuộc quyền quản lý của giám đốc bệnh viện. Ông Nguyễn Anh Trí phân tích, bệnh viện ký hợp đồng với một đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ, trông giữ xe… và đơn vị này thường cam kết làm việc nghiêm túc song khi triển khai mới nảy sinh phức tạp.

“Ngay ở bệnh viện chúng tôi cũng từng gặp hiện tượng 2 hãng xe vận chuyển cứu thương đánh nhau để tranh giành người bệnh, rồi một vụ khác là 2 tổ bảo vệ xích mích dẫn đến công kích, đánh nhau chỉ vì công ty này trúng thầu được bệnh viện ký hợp đồng còn công ty kia trượt thầu. Câu chuyện nhân viên trông giữ xe, bảo vệ bệnh viện quát mắng người bệnh cũng có thật”, GS.TS Nguyễn Anh Trí dẫn ví dụ.

Cũng về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, hiện nay, bức xúc nhất chính là dịch vụ vận chuyển cấp cứu vì nếu các bệnh viện không kiểm soát được thì sẽ xảy ra tranh giành khách hàng, tranh giành người bệnh. Bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, ký hợp đồng thuê khoán dịch vụ đi kèm với các công ty bên ngoài là quyền tự chủ của mỗi bệnh viện song không có nghĩa là các bệnh viện được phép “khoán trắng”.

Khi thuê dịch vụ đi kèm bên ngoài, bệnh viện phải đảm bảo rằng những đối tác cung cấp dịch vụ do mình thuê khoán phải minh bạch, phải đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, để bệnh nhân được toàn quyền lựa chọn dịch vụ chứ không có chuyện gây sức ép hay “độc quyền”, ép người bệnh phải sử dụng dịch vụ. 

Nâng cao trách nhiệm và minh bạch

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận, đảm bảo được tiêu chí nói trên không dễ dàng. “Khi đã thuê khoán dịch vụ bên ngoài, tức là thị trường, thì sẽ có cạnh tranh giữa các đơn vị tham gia đấu thầu và sẽ dẫn đến nhiều biến tướng, sai phạm. Vấn đề là các bệnh viện phải chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, có uy tín và giám sát chặt chẽ để các đơn vị này phải thực hiện đúng cam kết. Bệnh viện phải có kiểm soát với dịch vụ do mình thuê khoán, không phải bỏ tiền thuê rồi cho họ muốn làm gì thì làm bởi khi sự việc xảy ra sẽ gây tác động trực tiếp đến người bệnh, ảnh hưởng đến uy tín của cả bệnh viện, cả ngành y tế”,  bà Phạm Khánh Phong Lan nói. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Trí nêu giải pháp: “Muốn chấn chỉnh được những sai phạm trong quản lý các dịch vụ đi kèm tại bệnh viện, từ khâu trông giữ xe đến căng tin… thì trước hết Giám đốc bệnh viện phải từ bỏ ngay suy nghĩ “việc này mình đã thuê họ rồi thì họ phải chịu toàn bộ trách nhiệm”.

Thứ hai, phải đảm bảo tính minh bạch khi thuê mướn dịch vụ bên ngoài, lãnh đạo bệnh viện đừng có tơ hào gì từ việc ký hợp đồng thuê khoán này. Phải yêu cầu các đơn vị được bệnh viện thuê khoán công khai giá dịch vụ để cho người bệnh toàn quyền lựa chọn, nhất là phải cam kết tuyệt đối không được “chặt chém” người bệnh”.

Lãnh đạo bệnh viện phải thường xuyên quan tâm đến tập huấn, chấn chỉnh thái độ đón tiếp người bệnh của nhân viên trong toàn bệnh viện, không để bệnh nhân ức chế, bức xúc ngay từ… vòng gửi xe mỗi khi đến bệnh viện. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng chia sẻ, cũng đã nhận được nhiều phản ánh người bệnh bức xúc vì khi đến bệnh viện không có chỗ trông giữ xe, bị thu phí trông giữ xe máy lên tới 20.000 đồng/lượt, thậm chí bị nhân viên trông giữ xe quát mắng. Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước khẩn trương rà soát các hợp đồng đã ký kết giữa bệnh viện với tổ chức cá nhân bên ngoài, nhằm phát hiện những sai sót.

Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện đơn vị nào vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh thì chấm dứt hợp đồng ngay. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, khi xảy ra sai phạm, người đứng đầu bệnh viện phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.