Làng Việt ở Biển Hồ

(ANTĐ) - Đã nhiều đời nay có một cộng đồng người Việt gắn với Tonle Sap (người Việt gọi là Biển Hồ) của Campuchia bằng nghề đánh cá. Do người Campuchia gần như không biết đánh cá nên nguồn cá chủ yếu cho sinh hoạt ở nước này là do người Việt đánh được ở Biển Hồ. Thế nên, chuyện đa phần người Việt ở Biển Hồ nghèo khó thật khó tin. Càng khó tin hơn, khi có những người đang sống trong cảnh mưu sinh qua ngày, muốn trở về quê cha đất tổ nhưng lại thiếu tiền trả nợ...

Làng Việt ở Biển Hồ

Kỳ 1: Vất vả mưu sinh

(ANTĐ) - Đã nhiều đời nay có một cộng đồng người Việt gắn với Tonle Sap (người Việt gọi là Biển Hồ) của Campuchia bằng nghề đánh cá. Do người Campuchia gần như không biết đánh cá nên nguồn cá chủ yếu cho sinh hoạt ở nước này là do người Việt đánh được ở Biển Hồ. Thế nên, chuyện đa phần người Việt ở Biển Hồ nghèo khó thật khó tin. Càng khó tin hơn, khi có những người đang sống trong cảnh mưu sinh qua ngày, muốn trở về quê cha đất tổ nhưng lại thiếu tiền trả nợ...

"Căn nhà" tạm bợ của một gia đình người Việt tại Biển Hồ
"Căn nhà" tạm bợ của một gia đình người Việt tại Biển Hồ

Chuyến đi Campuchia với chúng tôi thật tình cờ. Nhận lời mời của Công ty Sông Đào, một trong những doanh nghiệp vận tải đường thủy từ Việt Nam đi Campuchia, đoàn công tác Báo An ninh Thủ đô đã lên đường tìm hiểu về cuộc sống của cộng đồng người Việt ở đất nước Chùa Tháp.

Ông Trân Văn Khánh - Phó Giám đốc Công ty Sông Đào tâm sự: Từng là những người lính cách mạng tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam bộ, Campuchia, ông và người đồng đội từ lâu đã nhận thấy tiềm năng rất lớn về vận tải thủy của dòng sông MeKong hùng vĩ. Rời quân ngũ, hai ông đã thành lập công ty vận tải thủy và đặt tên là Sông Đào. Tôi thắc mắc, hoạt động chủ yếu trên hệ thống sông Mekong, sao lại đặt tên công ty là Sông Đào, ông Khánh cười: Ông và người đồng đội đều quê ở Nam Định. Con sông Đào từng gắn bó với tuổi thơ của hai ông. Việc đặt tên công ty là Sông Đào như để luôn nhớ về dòng sông quê hương đầy kỷ niệm...

Nhiều trẻ không được tới trường phải nhảy tàu bán hàng kiếm sống
Nhiều trẻ không được tới trường phải nhảy tàu bán hàng kiếm sống

Từ TP.HCM chúng tôi đáp tàu đi PhNom Penh. Câu chuyện của một thủy thủ về cộng đồng người Việt ở Biển Hồ khiến chúng tôi quên đi khoảng cách mấy trăm kilômét dập dềnh trên sông nước. Nhờ thế chúng tôi cảm thấy rất nhanh chóng có mặt tại Thủ đô PhNom Penh.

Từ đây, chúng tôi quyết định đi Siem Riep bằng ôtô để “đổi gió”. Khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về Siem Riep ngày càng nhiều hơn để khám phá những chùa tháp đã được công nhận là kỳ quan của thế giới. Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng sửng sốt và khâm phục trước vẻ đẹp kỳ bí và tài năng. Kiến trúc siêu đẳng của nghệ nhân Campuchia cách đây gần 1.000 năm.

Người lớn đi cá- trẻ nhỏ tự sống với sông nước
Người lớn đi cá- trẻ nhỏ tự sống với sông nước

Nhưng rồi, câu chuyện về cộng đồng người Việt đã kéo chúng tôi đến với Tonle Sap. Chỉ cách trung tâm thành phố Siem Riep khoảng 30 phút chạy ôtô, nhưng nơi đây là một thế giới khác hẳn. Thêm khoảng 15 phút, chiếc tàu du lịch đã đưa chúng tôi ra tới khu vực mênh mông nước. Tonle Sap có diện tích hơn 10.000 km2, giáp với 6 tỉnh của Campuchia là Siem Riep, Battambang, Moung Roessei, Pursat, Kampong Luong và Kampong Chhnang. Dù không phải là mùa nước lớn nhưng cũng không thể biết đâu là bờ. Có lẽ vì thế, người Việt gọi Tonle Sap là Biển Hồ.

Ông Trần Văn Khánh cho biết, cả Campuchia và Việt Nam đều đã gia nhập WTO. Việt Nam luôn giữ được tốc độ phát triển kinh tế cao trong nhiều năm qua. Còn Campuchia gần như mở cửa hoàn toàn, đón nhận tất cả các nguồn đầu tư, thương mại, dịch vụ. Nhờ thế kinh tế xã hội Campuchia đã và đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Quan hệ mọi mặt giữa Việt Nam – Campuchia ngày càng được nâng cao. Vì thế, trong những năm qua, Công ty Sông Đào đã vận chuyển hàng trăm nghìn tấn hàng hóa xuất nhập khẩu từ TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang của Việt Nam đi PhNom Penh, Siem Riep (Campuchia) góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước...

Thi thoảng lại có một chiếc thuyền máy nhỏ xíu bám theo tàu của chúng tôi. Những em nhỏ chỉ 5 đến 12 tuổi, tay bưng chiếc rổ đựng đầy bia, nước ngọt..., nhảy tanh tách lên tàu. “Chú ơi mua cho con lon nước”. Chúng tôi ai nấy đều giật mình khi cô bé mặt đen xạm vừa nhảy lên tàu đã nói thứ tiếng Việt khá chuẩn. Một em gái người nhỏ thó, mặt đen sạm vì nắng gió có cái tên rất đẹp: Lê Bích Huệ. Em kể cha mình là Lê Kiều Long, quê ở Hà Tĩnh. Bố em đã sang sinh sống ở Biển Hồ 23 năm. Mẹ em cũng là người Việt nhưng sinh ra ở Campuchia. Nhà có tới 7 anh chị em, nên hàng ngày em phải cùng anh chị bám theo tàu du lịch kiếm sống, chuyện đi học thật xa vời.

Bán được ít hàng, Huệ quăng người nhảy xuống chiếc thuyền máy bé tẹo, không hề có phao cứu sinh, để đón tàu du lịch khác. Như hiểu băn khoăn của chúng tôi, anh Navi, hướng dẫn viên người Campuchia cười nói: “Đừng lo. Trẻ em người Việt ở Biển Hồ bơi rất giỏi. Biết đi là đã biết bơi rồi”.

Đã 12 tuổi nhưng em Lê Bích Huệ chưa một lần được về Việt Nam
Đã 12 tuổi nhưng em Lê Bích Huệ chưa một lần được về Việt Nam

Chúng tôi được một thanh niên cùng đứa con gái nhỏ chạy dẫn đường đi sâu vào khu cộng đồng người Việt. Thấy có người lạ, trẻ con kéo đến khá đông. Đứa nào cũng chắc nịch, da đen bóng và nói tốt tiếng Việt. Không một chút khó khăn, chúng đi lại ngon lành  trên những mảnh ván mỏng bắc ngang dọc trên chiếc bè cá nhỏ, đồng thời cũng là “nhà” ở của hơn chục con người.

Hoàng hôn xuống rất nhanh càng làm cho nước Biển Hồ thêm sẫm lại. Sát trong bờ, nước đục và bẩn hơn. Nhưng vì không có nước sạch nên tất cả đều sử dụng nước Biển Hồ để tắm giặt và ăn uống.

Trời tối. Muỗi bay như trạt vào người.

Trên ngách sông đổ vào Biển Hồ cách đó không xa, ánh điện sáng choang phát ra từ chiếc máy nổ êm ru khiến ai cũng phải chú ý. Thì ra đó là một lớp học 2 tầng rất hiện đại do người Hàn Quốc mở để dạy chữ Hàn. Thật xót xa.

Không xót xa sao được khi liền đó là những gia đình người Việt nghèo. Không điện, không máy phát, chẳng ắc quy, rất nhiều gia đình phải dùng cây đèn dầu khói muội mù mịt để chiếu sáng. Nhìn cảnh mấy đứa nhỏ quây lấy ngọn đèn đỏ quạch, được làm bằng ống bơ đã bẹp dúm dó, ai cũng có cảm giác như có cái gì đó nghèn nghẹn trong cổ họng, mắt cay xè, không nói lên lời...

Hà Văn Kiệm

Ảnh: Đào Huệ Chi

Kỳ sau: Vòng xoáy của nghèo đói

Sống trên rốn cá Biển Hồ đã bao đời, nhưng cộng đồng người Việt chưa bao giờ giàu có. Vì sao? Làng “nổi” của người Việt sẽ ra sao?