Làng trong lòng Hà Nội

(ANTĐ) - Làng xã mang tính truyền thống dựa trên nền kinh tế nông nghiệp, tự cung, tự cấp - Ruộng làng là nơi cung cấp nguồn lương thực chính, nuôi sống dân cư. Do phần lớn chịu tác động của biến động xã hội, người dân nông thôn chuyển dịch ra đô thị ngày càng tăng, xưa đã thế, nay càng thế, khác chăng là tốc độ dịch chuyển ngày nay mạnh, nhanh hơn. Trật tự truyền thống không còn bền vững.

Làng trong lòng Hà Nội

(ANTĐ) - Làng xã mang tính truyền thống dựa trên nền kinh tế nông nghiệp, tự cung, tự cấp - Ruộng làng là nơi cung cấp nguồn lương thực chính, nuôi sống dân cư. Do phần lớn chịu tác động của biến động xã hội, người dân nông thôn chuyển dịch ra đô thị ngày càng tăng, xưa đã thế, nay càng thế, khác chăng là tốc độ dịch chuyển ngày nay mạnh, nhanh hơn. Trật tự truyền thống không còn bền vững.

Thời kỳ đổi mới, kinh tế thị trường với sức hút vật chất, nhiều rối loạn của đời sống đô thị, xâm nhập ngày càng mạnh, phá vỡ tính tổng thể làng xóm tới từng gia đình, từng cá nhân. Làng xã chuyển động yếu ớt lộn xộn trước xô đẩy của bão táp thị trường, đòi hỏi mãnh liệt đáp ứng các yêu cầu mới, các chức năng mới.

Cho nên, thực tế khách quan, theo quy luật phát triển xã hội, cần chiến lược nâng cao hệ thống môi trường cư trú nông thôn để thích ứng với điều kiện kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật xã hội. Với Hà Nội điều này càng quan trọng, vì là tấm gương cho cả nước - Đừng để cảnh mất làng hoa Ngọc Hà, làng quất Phú Thượng, làng cây cảnh Nghi Tàm … để bây giờ tiếc nuối, hoài niệm.

Trong quá trình phát triển xã hội, đương nhiên có cái mất đi, cái mới thay thế, tuy nhiên phải làm sao để cái mất đi có tác dụng thúc đẩy toàn cục, chứ không bó giáo quy hàng, với những khiếu kiện và tranh cãi.

Có thể đề xuất định hướng làng xã, tùy thuộc ở vùng địa lý, làm cơ sở cho nét bút quy hoạch xây dựng.

- Làng xã nằm gọn trong đô thị, do mở rộng đô thị, hoặc liền kề với các khu đô thị mới, chịu ảnh hưởng trực tiếp của đô thị hóa - Có bộ phận làng xã bị xóa bỏ, có bộ phận trở thành “làng đô thị”.

- Làng nghề, phát triển nông nghiệp dịch vụ, thủ công nghiệp, về cơ bản vẫn thuộc vùng nông thôn. Làng nghề thuốc nam Ninh Hiệp, gốm sứ Bát Tràng, (Hà Nội cũ) lụa Vạn Phúc (Hà tây cũ) là những thí dụ cần được nghiên cứu.

- Làng di sản cần được bảo tồn trọn vẹn cấu trúc làng xã như làng Đông Ngạc (quận Tây Hồ - Hà Nội) làng Đường Lâm (Sơn Tây).

Sự phân loại chỉ là tương đối, và có đan xen - Bát Tràng, Vạn Phúc là làng nghề, vừa là làng di sản. Cấu trúc làng xã dù biến động vẫn phải giữ được các dấu ấn văn hóa: cửa làng (đang mất dần) đình làng, chùa làng, văn chỉ, cây đa, bụi tre…

Làng cổ Đường Lâm Hà Nội (ảnh: Hải My)
Làng cổ Đường Lâm Hà Nội (ảnh: Hải My)

Các yếu tố tín ngưỡng, văn hóa phải được coi trọng, bảo vệ cả không gian, chứ không xô đẩy, lấn lướt. Bảo vệ các dấu ấn văn hóa phải gắn liền với môi trường sinh sống tốt lành, hạ tầng kỹ thuật thích hợp, cuộc sống tốt đẹp hơn - Giá trị các vật thể văn hóa mà môi trường sinh sống, môi trường thẩm mỹ xuống cấp thì cũng vô nghĩa.

Làng xã sẽ là mô hình cư trú tốt, văn hóa đặc trưng, có sức hấp dẫn như những khu “cao cấp”, “sinh thái”. Cộng đồng dân cư có khả năng thích ứng với cuộc sống mới, liên tục, hòa nhập, chứ không khép kín, thủ cựu.

Thành phố Hà Nội đã triển khai bước đầu quy hoạch làng nghề. “Thành phố có 127 làng nghề, chiếm 70% tổng số làng trên toàn thành phố, trong đó 224 làng nghề truyền thống - UBND thành phố đang thực hiện quy hoạch (dự án) phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch, đồng thời nghiên cứu xây dựng quy chế xét công nhận danh hiệu làng nghề…” (LĐ 24-10-2008).

Ngành kiến trúc - xây dựng có nhiệm vụ then chốt trong chủ trương, chiến lược xây dựng nông thôn: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cố vấn kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý … xã hội nông thôn ổn định giàu bản sắc văn hóa” (Nghị quyết Trung ương về tam nông).

Nên chăng đề ra mục tiêu: “Hiện đại hóa làng trong thành phố, chứ không phải đô thị hóa làng trong thành phố - không biến “làng” thành “phố”, mà phát huy được bản sắc làng trong thành phố.

Một KTS có tiếng đã viết: “Lâu nay chúng ta hầu như lặng im, quên kiến trúc nông thôn mà 70% dân cư sinh sống… Hãy hướng tâm và ngoái mắt về với nông thôn”.

Có thật vậy không? Chả lẽ chúng ta quên cội nguồn mà cha, anh chúng ta, và ngay cả nhiều người trong chúng ta đang còn đầy ắp những kỷ niệm ấu thơ, cả những gắn bó dòng tộc, gia đình - Trong nhận thức, cần có thay đổi, trước hết ở những người làm nghề, có thể bây giờ còn nghèo, còn khó nên chỉ đơn giản: điện, đường, trường, trạm, nhưng quy hoạch là tính cho tầm nhìn những năm 2020, 2030 …

Những vươn xa, vươn cao hơn như ở nhiều nước phát triển, với giải pháp nông nghiệp đô thị, thay đổi cơ bản tập quán canh tác ngàn đời, với khoa học, công nghệ mới. Để đáp ứng nhu cầu xã hội nông thôn mới, cần có sự chuẩn bị và tầm nhìn – quan trọng nhất là xây dựng khái niệm kiến trúc nông thôn - đừng quá nặng tư duy thủ cựu mà phải trau dồi để xây dựng nền kiến trúc nông thôn ngang bằng kiến trúc đô thị.

Có thế ta mới  có thể có “làng đô thị”, thực sự như mong muốn. Cũng nên nhớ rằng nền giáo dục quốc gia khởi nguồn từ tiểu học và tiền học lại từ lớp 1. Thì kiến trúc cũng vậy, phải bắt đầu từ không gian sống nông thôn và kiến trúc nông thôn là cơ sở của kiến trúc đô thị.

Năm 1948, trong thư gửi Hội nghị thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, Bác Hồ đã nhắc đến việc xây dựng nông thôn. Trong cuộc vận động học tập và làm theo Bác, thiết nghĩ đây là nhiệm vụ lớn và thiết thực.

KTS Ngô Huy Giao