Làng tranh Đông Hồ vắng vẻ khác thường ở "thời điểm vàng" trong năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Vào mỗi dịp cuối năm, làng tranh Đông Hồ thường tất bất với công việc mua bán tranh. Nhưng năm nay, làng vắng vẻ lạ thường, chỉ vì ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Là một tay máy gắn bó với các làng nghề, nhiếp ảnh gia Lê Bích đã khá bất ngờ khi về làng tranh Đông Hồ vào dịp cuối năm. Trái ngược với khung cảnh khách du lịch về làng tham quam, trong túi ra về bao giờ cũng có vài bức tranh dân gian Đông Hồ làm quà, năm nay, những nhà còn làm tranh trong làng đều ngao ngán trước ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, làng tranh Đông Hồ cho biết, gia đình vẫn mở cửa để đón khách nhưng chỉ để "cho đỡ hôi nhà", chứ thực không có khách. Khách Tây, khách ta đều vắng bóng tại làng tranh vào dịp cuối năm, một thời điểm mà nhu cầu mua tranh tăng cao.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế miệt mài bên các bức tranh Đông Hồ

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế miệt mài bên các bức tranh Đông Hồ

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm hài hước chia sẻ: "Là năm Covid nên đầu năm hay cuối năm với người làng Hồ đều như nhau, đều không có khách mua tranh".

Để bù lại nguồn thu nhập bị giảm sút từ làm tranh, gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm làm thêm vàng mã để duy trì cuộc sống và vẫn mong nhịp sống trước đây sớm trở lại cùng sự quan tâm nhiều hơn của chính quyền đến đời sống của người làm tranh trong "cơn bão Covid".

Còn nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, làng Đông Hồ cũng có những nỗi niềm tương tự trước ảnh hưởng của đại dịch tới làng tranh truyền thống. Theo ông Quả, gia đình 4 người trong gia đình vẫn túc tắc làm nghề nhưng khách hỏi mua khá ít. Dù rao bán trên mạng hay khách quen đặt mua thì so với những năm trước đây, đời sống người làm tranh dân gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tranh hổ vẽ vờn nét của nghệ nhân Mai Thanh Huyền

Tranh hổ vẽ vờn nét của nghệ nhân Mai Thanh Huyền

"2 năm nay không có khách nước ngoài tới làng, khách trong nước hạn chế đi lại nên tranh làm ra ế lắm! Tranh không được liệt vào hàng thiết yếu nhưng để duy trì làng nghề truyền thống thì vẫn rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức và chính quyền địa phương. Trước đây làng tranh Đông Hồ có cả trăm gia đình cùng làm thì nay chỉ còn 3 gia đình gắn bó với nghề", nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả nói.

Nghệ nhân Mai Thanh Huyền, con dâu của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế đã lên Hà Nội mở một cửa hàng bán tranh ở số 16 Chân Cầm. Nhưng công việc kinh doanh không thuận lợi trong 2 năm qua. Tranh không bán được nhưng tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả, để duy trì khiến chị khá vất vả và lo âu. Cuối cùng, không thể duy trì thêm được nữa chị đã trả lại mặt bằng và chuyển cửa hàng tranh Đông Hồ của mình về số 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiêm, người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống

Nghệ nhân Lê Đình Nghiêm, người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống

Theo nghệ nhân Mai Thanh Huyền, năm Nhâm Dần, năm con hổ nên các bức tranh có hình ảnh con giáp này được tìm mua. Tuy nhiên, tranh Đông Hồ theo chuẩn truyền thống có kích thước nhỏ 26x37cm, in khắc lại không được yêu thích bằng các bức tranh Đông Hồ vẽ vờn nét theo lối truyền thống của các cụ để lại, kích thước lớn hơn, từ 37x52 cm, 79x109cm.

Đặc biệt, năm nay, những bức tranh hổ này đều "cháy hàng". Có khách đắt mua một lúc vài chục bức nhưng chị cũng không dám nhận thêm, vì tranh vẽ tay rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Những bức tranh vẽ vờn nét của dòng tranh Đông Hồ có giá khá cao so với giá tranh in khắc, từ 500.000 đồng tới 3 triệu đồng. Trong khi các bức tranh in khắc thường rơi vào 50.000 đồng.

Bên cạnh các bức tranh Đông Hồ chuyển thể từ bản khắc của các cụ để lại theo lối vẽ tay đắt khách, các bức tranh Hàng Trống của người nghệ nhân cuối cùng dòng tranh Hàng Trống cũng không còn hàng để bán.

Nghệ nhân Mai Thanh Huyền đang chạy đua với thời gian để hoàn thành các bức tranh hổ vẽ tay

Nghệ nhân Mai Thanh Huyền đang chạy đua với thời gian để hoàn thành các bức tranh hổ vẽ tay

Theo chia sẻ của nghệ nhân Lê Đình Nghiêm, nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống, không riêng gì dịp cuối năm mà dòng tranh này được mua quanh năm và luôn ở tình trạng "khan hiếm hàng". Vì tranh Hàng Trống là vẽ tay vờn nét dựa vào các nét khắc. Đặc biệt, các Việt kiều ở nước ngoài rất chuộng các bức tranh vẽ cá, công sinh động màu sắc của dòng tranh này. Những đơn hàng được đặt từ trước đó rất lâu, chờ đợi có được một bức tranh Hàng Trống treo trong nhà, do đích thân nghệ nhân Lê Đình Nghiêm thực hiện.

Vì thế, dù dịch Covid-19 có ảnh hưởng tới rất nhiều lĩnh vực, nhưng nghệ nhân Lê Đình Nghiêm vẫn làm không hết việc, đặc biệt là vào dịp cuối năm tất bật hoàn thiện các bức tranh được thực hiện tỉ mỉ, mang kỹ nghệ nhà nghề trao truyền qua nhiều thế hệ.