“Làng tôi” tìm khán giả nhà

ANTĐ - Xây dựng được thương hiệu tại nước ngoài, về Việt Nam tạo được tiếng vang với khán giả nhà trước và sau đêm công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, thế nhưng thương hiệu xiếc “Làng tôi” vẫn cứ loay hoay đi tìm khán giả.

Vở xiếc rất mới với khán giả Việt khi có sự kết hợp

của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau

Chuyên nghiệp cũng vẫn… ế

“Xiếc mới” có nội dung và cốt truyện mạch lạc không xa lạ  khán giả Việt với những vở diễn từng ra mắt từ những năm 90 như: “Thạch Sanh”, “Alibaba và 40 tên cướp” hay “Aladin và cây đèn thần”. Cũng không hiếm tìm thấy rạp xiếc đông kín khán giả từ trẻ em đến người lớn. Vậy mà cũng là loại hình “xiếc mới”, “Làng tôi” ngay từ khi ra mắt vào năm 2005 đã không được khán giả đón nhận. Lý do thật đơn giản, bởi lâu nay, khán giả đã quá quen thuộc và mặc định xiếc là dành cho trẻ em nên các tiết mục xiếc truyền thống hay “xiếc mới” được lấy từ cốt truyện cổ tích đều phải có các màn xiếc thú để hấp dẫn các em nhỏ. Nên khi “Làng tôi” không sử dụng đến bất cứ con vật nào trong câu chuyện mà thay vào đó chỉ có cây tre, đạo cụ xuyên suốt của vở diễn trong thời lượng hơn 1 tiếng đồng hồ kết hợp với các màn xiếc, trình diễn, sắp đặt, múa, kịch thì “Làng tôi” được coi là một vở diễn kén khán giả. 

Sự kén khán giả của “Làng tôi” có thể hiểu là vở diễn không hướng đến các khán giả nhỏ tuổi và vô hình chung đã phá vỡ sự mặc định ban đầu của công chúng về xiếc. Đối với khán giả là người lớn thì không phải ai cũng thích thú và có thể thưởng thức vở diễn như “Làng tôi”. Để hiểu một vở diễn có sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau thì khán giả cũng cần có trình độ văn hóa nhất định. Cũng chính vì hướng đến đối tượng khán giả chuyên biệt nên “Làng tôi” dù gây được tiếng vang lớn khi lưu diễn qua các nước châu Âu, bước đầu xây dựng được thương hiệu xiếc Việt Nam nhưng để đưa vào một chương trình biểu diễn thường xuyên tại rạp xiếc Trung ương vẫn là một bài toán khó. Ông Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng: “Vở diễn muốn “đứng chân” trong danh mục bán vé của Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì còn thiếu rất nhiều khâu tổ chức để khán giả dần dần chấp nhận một loại hình xiếc mới có nghệ thuật và chuyên nghiệp như “Làng tôi”. 

“Người ngoài” thích, “người nhà” hững hờ

Tìm hiểu kỹ hơn về vở xiếc mới này, công chúng sẽ nhận thấy nhiều đòi hỏi, sự cầu kỳ và tỉa tót trong trình diễn. Không chỉ kén khán giả, vở diễn còn đòi hỏi nhiều công sức trong thiết kế và trình bày sân khấu. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Đoàn 1 - Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Bình thường, một vở diễn xiếc truyền thống chỉ cần nửa buổi để hoàn thành khâu thiết kế sân khấu. Nhưng với “Làng tôi” ở buổi công diễn tại Nhà hát Lớn, êkíp đã mất tới một ngày rưỡi để hoàn thành sân khấu. Vở diễn chỉ có 21 diễn viên trên sân khấu nhưng cần tới hàng chục người phục vụ sau cánh gà”. Chính sự khắt khe và đòi hỏi nguồn nhân lực cũng như yêu cầu kỹ thuật nên khi “Làng tôi” tới đâu biểu diễn đều phải đảm bảo được các yếu tố trên. Chỉ có các sân khấu lớn, các rạp hát đủ không gian mới có thể trình diễn “Làng tôi”. 

Cho dù còn gặp nhiều khó khăn ngay tại sân nhà, nhưng Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam Vũ Ngoạn Hợp khẳng định chắc chắn: “Chúng tôi sẽ xây dựng các vở xiếc mới song song với việc biểu diễn xiếc truyền thống để khán giả dần có sự phân định và có nhiều lựa chọn hơn khi đến với nghệ thuật xiếc”. Vở xiếc “Làng tôi” sẽ tiếp tục đi lưu diễn ở châu Âu đến hết năm 2012 và sẽ trở lại Việt Nam vào đầu năm 2013. Lý do của việc “đi vòng” một lần nữa được ông Vũ Ngoạn Hợp giải thích “Ngay từ đầu khán giả Việt Nam đã không chấp nhận “cái mới” nên chúng tôi buộc “đi vòng” để được khán giả nước ngoài công nhận trước rồi trở về Việt Nam thu hút khán giả”.