Lặng thầm cống hiến vì bình yên cho người dân

ANTĐ - Không ít những trận đánh phải đối diện với lằn ranh sinh tử, những chuyến đi nơi rừng sâu, núi thẳm hay sang cả nước bạn để thực hiện công vụ… Đó là nét phác họa về công việc của những người lính truy bắt tội phạm trốn quyết định truy nã, buộc chúng phải trả giá trước pháp luật và hơn hết là giữ gìn sự bình yên cho người dân, xã hội.

Lặng thầm cống hiến vì bình yên cho người dân ảnh 1Lực lượng truy nã tội phạm, CATP Hà Nội truy bắt, dẫn giải đối tượng qua đường hàng không

Hôm nay, 20-2, Công an Hà Nội trang trọng tổ chức Ngày truyền thống 70 năm xây dựng và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm, một chặng đường dài, gắn liền với sự hình thành, phát triển của CATP. Ngày 21-2-1946,     Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 23/SL hợp các Sở Cảnh sát với các Sở Liêm phóng trong toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ, gồm: Nha Công an Trung ương; ở 3 miền lập Sở Công an; ở các tỉnh lập Ty Công an.

Trong đó, tại Khoản 2, Điều 2 của Sắc lệnh quy định nhiệm vụ của Việt Nam Công an vụ là: “Điều tra về những hành động trái phép và truy tầm người can phạm để giúp tòa án trong sự trừng trị”. Bắt đầu từ đây, ngày 21-2-1946 được xác định là Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm. 

Năm 1990, lực lượng chuyên trách truy nã tội phạm đầu tiên của Công an Hà Nội được thành lập, đó là Đội Truy nã thuộc Phòng Cảnh sát hình sự. Năm 2004, thực hiện Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, cả Công an Hà Nội và Công an tỉnh Hà Tây (cũ) đều thành lập Đội Quản lý đối tượng truy nã thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Tháng 10-2005, Đội Truy nã thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tây cũng ra đời. Thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, tháng 8-2008 mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, các lực lượng này được nhập vào một đầu mối. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, từ năm 2011, Công an Hà Nội đã tổ chức triển khai mô hình lực lượng truy nã tội phạm gồm Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm và tại công an các quận, huyện, thị xã.

Trong những năm qua, tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp. Thủ đoạn lẩn trốn, che giấu tung tích của đối tượng truy nã ngày càng tinh vi. Lại có trường hợp đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài lợi dụng sự khác biệt giữa pháp luật Việt Nam với nước sở tại để gây khó khăn cho công tác truy bắt và dẫn độ. Tuy nhiên, công tác bắt, vận động đầu thú và thanh loại đối tượng truy nã của Công an Hà Nội luôn đạt kết quả cao.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, đã có gần 11.000 đối tượng truy nã bị bắt, vận động đầu thú hay thanh loại. Trong đó có 630 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, hơn 1.000 đối tượng truy nã nguy hiểm, gần 1.000 đối tượng truy nã trốn từ 5 năm đến hơn 10 năm trở lên… 

Những vụ bắt đối tượng truy nã điển hình của Công an Hà Nội phải kể đến vụ truy bắt Dương Hoàng Dũng (tức Dũng “ben”). Đây là đối tượng bị truy nã đặc biệt nguy hiểm về các tội giết người, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại tài sản. Vụ truy bắt Nguyễn Văn Đức (tức Đức “Cổ Lễ”), đối tượng bị CQĐT Công an TP.HCM ra quyết định truy nã nguy hiểm ngày 26-3-2014 về tội cố ý gây thương tích. Hay gần đây nhất là vụ phối hợp với các đơn vị chức năng bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Trần Quốc Hùng (tức Hùng “lô”, ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)… 

Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và xây dựng lực lượng của Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Thủ đô, Chính phủ, Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đã tặng thưởng nhiều Bằng khen cho các tập thể và cá nhân. Với mỗi CBCS thuộc lực lượng truy nã tội phạm, truyền thống tốt đẹp 70 năm luôn là động lực để mỗi người chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.