Lãng phí và nước mắt người dân

ANTĐ - Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thực hiện cho thấy tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau. Mọi sự lãng phí đều là lãng phí tiền của dân, mà mỗi đồng tiền mà người dân có được đều thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.

Thể loại lãng phí bị dư luận phản ứng nhiều, dễ thấy nhất là quy hoạch “treo”; đất dự án thu hồi rồi bỏ trống; dự án triển khai dang dở rồi “đắp chiếu”; chất lượng công trình xây dựng kém, hiệu quả sử dụng thấp; lãng phí trong mua sắm tài sản, ôtô, sử dụng ngân sách không đúng mục đích… Trong đầu tư công, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, sờ vào đâu cũng thấy lãng phí thất thoát. Chính phủ có quyết định dừng, giãn, hoãn, cắt bớt, nhưng “cắt đi vẫn nằm đấy”. Cắt là cắt trên giấy tờ sổ sách, chứ còn sự thật vẫn phơi bày trên đó rồi!

Tăng vọt nợ công quốc gia đang trở thành nổi nhức nhối của toàn dân và các đại biểu Quốc hội. Nguyên nhân dễ nhận biết nhất là do lãng phí đang xảy ra nhiều từ việc đầu tư dự án giao thông.  

Làm đường xong rồi lại đào bới lên, vỉa hè bị cày xới tung, gây lãng phí vật tư, nhân lực và cản trở đi lại làm ảnh hưởng đời sống sinh hoạt, kinh doanh sản xuất của nhân dân. Hay đơn cử ở Hà Nội gần đây rầm rộ hội chứng xây cổng chào lan rộng ra đến nhiều quận, huyện, xã, phường, thôn, xóm. Nếu có dịp đi từ Hà Nội lên Sơn Tây theo Quốc lộ 32 quý khách sẽ được đón chào bởi rất nhiều lời chào mừng từ các bảng, biển và cổng chào. Cụm từ “Chúc quý khách thượng lộ bình an”, rồi “See you again” thấy liên tục trên đoạn đường chỉ hơn 20 cây số qua các huyện Hoài Đức, Đan Phượng đến Phúc Thọ ở 5 cổng chào được xây dựng quy mô sừng sững. Thế nhưng để rẽ vào địa điểm cụ thể nào đó thì không thể không phải hỏi thăm đường. Được biết, cổng chào nhỏ cũng tốn kém hàng trăm triệu đồng, còn loại hoành tráng lên đến trên 1 tỷ đồng (chưa kể kinh phí lắp đặt và quản lý  bảng điện tử). Vậy việc làm đẹp làng quê như vậy là sự đầu tư chưa mang lại những giá trị sử dụng hiệu quả, nhất là khi điều kiện còn khó khăn. 

Mới đây, Ban quản lý Chỉnh trang Đô thị Hà Nội đã được duyệt tờ trình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép, trong đó có 10 nhà vệ sinh 2 buồng và 4 nhà vệ sinh loại 4 buồng. Dự án có tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Theo báo giá thiết bị của Công ty TNHH Cơ điện lạnh Hoàng Gia chào giá loại nhà vệ sinh 4 buồng với giá 1,050 tỷ đồng, chưa có thuế VAT. Bên cạnh đó, loại nhà vệ sinh 2 buồng cũng được doanh nghiệp này chào giá 675 triệu đồng.

15 tỷ cho 14 cái nhà vệ sinh, nghĩa là hơn 1 tỷ /1 cái. Còn có thể so sánh cụ thể hơn với giá thành căn hộ mẫu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp thuộc dự án nhà ở xã hội Đặng Xá 2 (Gia Lâm, Hà Nội) có mức giá đưa ra chỉ từ 8,68 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế GTGT 5% và phí bảo trì), tương ứng với giá từ 310 triệu đồng trở lên cho mỗi căn hộ. Nghĩa là số tiền 1 tỷ đầu tư cho xây nhà vệ sinh mới có thể mua 3 căn hộ cho 3 gia đình nghèo còn chưa có nơi “an cư lập nghiệp” ở Thủ đô!

Việc xây dựng mới nhà vệ sinh là để đáp ứng nhu cầu của người dân và làm đẹp cho Thủ đô. Nhưng hãy tính toán lại kinh phí sao cho tiết kiệm nhất, và ở thời điểm thích hợp cho khoản đầu tư lớn này. Trong thời điểm các nhà vệ sinh bạc tỷ này được phê duyệt thì cách đó vài chục cây số, để trẻ em được tới trường, người lớn được đi làm, mỗi ngày hàng trăm người dân làng Ngọc Liễu, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, phải oằn lưng để đu kéo dây thuyền qua sông Nhuệ. Hàng ngày cả làng tới vài trăm lượt đi đi về về liên tục từ sáng sớm đến đêm khuya, vào các giờ cao điểm buổi sáng, trưa và chiều tối thì thuyền liên tục chật cứng  và quá tải để đưa  người dân về nhà, hay đi làm, đi học... Cũng để vượt qua con sông Nhuệ ô nhiễm, hàng ngày ở xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội cũng vẫn phải “đu dây” tương tự. Do không có cầu đã rất nhiều năm nay, hàng nghìn lượt người, xe vẫn vượt sông bằng cái cách tưởng như thể chỉ còn tồn tại ở vùng quê nghèo xa xôi nào đó.