Lãng phí… công cộng!

ANTĐ - Dự án 15 tỷ đồng xây dựng 14 nhà vệ sinh của Ban Quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Nhiều đại biểu Hà Nội đã thẳng thắn chỉ rõ “đề án này là lãng phí vì nhiều nhà vệ sinh không sử dụng hết công suất, khóa cửa cả ngày; nhà vệ sinh có dát vàng cũng không đắt như vậy...”. Nhiều ý kiến khác thì cho rằng nên để xã hội hóa và không thu phí. 

Trước ý kiến của dư luận cho rằng đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho 1 nhà vệ sinh công cộng là quá lãng phí, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo “Việc đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh công cộng phải đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, công khai, minh bạch và tiết kiệm, tránh lãng phí”. Đặc biệt Thành ủy Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá lại quy trình lập dự trù kinh phí; điều chỉnh quy mô vốn theo hướng tiết kiệm, cắt giảm những chi phí không hợp lý, tăng cường sử dụng các vật liệu phổ thông, không đắt tiền. Đối với những nơi không cần thiết làm nhà vệ sinh kiên cố thì lắp đặt các nhà vệ sinh di động.

Thế nhưng, tuần qua, Sở Xây dựng lại vẫn đề xuất thành phố giao Sở Tài chính và Sơ Kế hoạch Đầu tư bố trí kinh phí trong kế hoạch năm 2014 để Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội kịp triển khai thi công 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép đã được các quận, huyện thống nhất các vị trí. Ngoài ra, với 10 nhà vệ sinh công cộng bằng thép, dự kiến kinh phí sửa chữa năm 2014 là khoảng 1 tỷ đồng để sửa chữa nhỏ!

Ngay sau khi Sở Xây dựng kiến nghị tiếp tục xây dựng 14 nhà vệ sinh tiền tỷ, ngày 8-1, ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội ký văn bản hỏa tốc truyền đạt ý kiến Chủ tịch thành phố yêu cầu Sở Xây dựng dừng việc chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng này. Một quyết định kịp thời, nhưng điều đọng lại là tại sao dự án quá lãng phí, chưa cần thiết vẫn được đơn vị chức năng “kiên trì” đề xuất? Tại sao không học tập TP.HCM, cấp đất cho ngân hàng xây, Nhà nước khỏi tốn tiền, dân vẫn có nhà vệ sinh đẹp? UBND TP.HCM đã giao Sở Giao thông Vận tải triển khai lắp đặt thí điểm 11 nhà vệ sinh công cộng tại các công viên, bến xe trên địa bàn thành phố với yêu cầu phải đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Hiện hoàn thành 3 nhà vệ sinh phục vụ dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Các nhà vệ sinh công cộng này sẽ được thực hiện bằng phương thức xã hội hóa, các ngân hàng bỏ tiền ra xây dựng công trình trên đất công cộng, không sử dụng vốn ngân sách. Bù lại, trong khu vực vệ sinh có vị trí đặt máy ATM của ngân hàng. Chi phí vận hành nhà vệ sinh cũng do các ngân hàng bỏ ra và người dân sử dụng nhà vệ sinh miễn phí. TP.HCM sẽ cho nhân rộng mô hình thí điểm ra trên địa bàn toàn thành phố.

Trong khi đó, các đơn vị chức năng của Thủ đô lại chỉ tính chuyện dùng tiền ngân sách cho những công trình công cộng quá hiện đại với yêu cầu quá cao mà hiệu quả sử dụng không cao. Mới đây, Hà Nội đưa vào sử dụng đường thứ hai dành riêng cho xe buýt dài 1,3 km nằm ở làn giữa của đường Yên Phụ, bắt đầu từ điểm trung chuyển xe buýt Long Biên đến nút giao cắt Thanh Niên - Nghi Tàm - Yên Phụ. Trong tổng số 13 tỷ đồng đầu tư cải tạo tuyến đường dài 1,3 km này thì riêng việc cải tạo mặt đường (trải lại lớp nhựa trên nền đường cũ) đã ngốn hết 8 tỷ đồng, 5 tỷ đồng còn lại để làm biển báo, chiếu sáng, tổ chức giao thông... Được biết, nguồn tiền này thuộc Dự án cải thiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hà Nội do vùng Ile de France (Pháp) tài trợ. Dù thế nào thì cũng là tiền của dân, của Nhà nước mà tuyến dành riêng cho xe buýt thứ hai của Thủ đô (sau tuyến Nguyễn Trãi - Hà Đông) dường như chưa phát huy hiệu quả so với khoản tiền đầu tư 13 tỷ đồng. Bởi tính ra, 1 tỷ đồng cho 100m đường không phải giải phóng mặt bằng là thật lãng phí và chưa cần thiết cho lắm.

Rõ ràng cần xem lại hiệu quả đầu tư của những công trình công cộng.