Lắng nghe từ đất

ANTĐ - Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội quyết định lùi sang năm 2013, và đầu tháng 8 này, Chính phủ đã họp chuyên đề về xây dựng pháp luật và nghe báo cáo, thảo luận về việc sửa đổi Luật Đất đai. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định sẽ tiến hành chất vấn thành viên Chính phủ hàng loạt vấn đề bức xúc nhất liên quan đến đất đai.

Sớm nhất là sang năm, Luật Đất đai sửa đổi mới có thể ban hành, nhưng không thể ngồi chờ đến khi sửa luật thì mới có thể hóa giải những rắc rối, phức tạp, căng thẳng. Vì vậy, Đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định về đất đai, vừa tiến hành một cuộc “thị sát” tại 21 địa phương ở ba miền Bắc, Trung, Nam.

Khiếu kiện về đất đai, theo Thủ tướng Chính phủ “là mầm mống gây mất ổn định chính trị - xã hội. Đất đai chính là lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo nhất hiện nay, chiếm từ 60-70% tổng số vụ và tính chất cũng phức tạp, gay gắt nhất. Khi giám sát “thực địa”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định nguyên nhân khiếu kiện thì có nhiều. Công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ nhưng công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhất là việc triển khai dự án, đền bù giải phóng mặt bằng chưa công khai, minh bạch và thiếu dân chủ. Một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất làm sai chính sách, pháp luật, buông lỏng quản lý, bao che cố tình vi phạm để trục lợi. Một “điểm nóng” nhất cần phải được “hạ nhiệt” đó là lợi ích đất đai đang thuộc về ai? Đất đai “mang tiếng” là sở hữu toàn dân, nhưng nguồn lợi từ đất đai thì người dân được hưởng rất ít. Lợi ích của Nhà nước lại càng ít hơn, chủ yếu thuộc về khâu trung gian.

Đơn cử, tính theo giá đền bù, giá nguyên vật liệu, chi phí, nhân công, thì giá nhà tại các khu đô thị rất rẻ. Còn thực tế, người dân đang phải mua nhà với giá rất cao tới vài chục triệu đồng/m2. Khi làm việc với các địa phương, Đoàn giám sát nhận thấy, địa phương không quản được nên phần chênh lệch địa tô khi giao đất cho doanh nghiệp làm dự án chủ yếu rơi vào tay tư nhân. Chủ tịch Hội Nông dân chỉ rõ, người dân kiên trì khiếu kiện chủ yếu vì họ nghi ngờ quyền lợi của họ bị tước đoạt không phải để trao cho Nhà nước, không phải để phục vụ cho lợi ích công. Nghi ngờ trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi đất có sự chi phối của nhóm lợi ích. Nghi ngờ người có thẩm quyền trong việc ký các quyết định liên quan đến thu hồi, giải phóng mặt bằng dây dưa, câu kết với nhà đầu tư để trục lợi. Trong khi đó, mỗi địa phương hiện có cả một “rừng” văn bản với hàng chục nghìn quyết định hành chính, những việc giải quyết khiếu kiện vẫn bế tắc.

Kinh nghiệm của TP Đà Nẵng cho thấy, làm đúng quy trình và công khai, công tâm thì không có khiếu kiện. Lắng nghe người dân cũng chính là lắng nghe từ đất. Chính quyền không xa rời dân, để dân thấy gắn bó với chính quyền, tin ở chính quyền, thì lòng dân yêu và chuyện đất đai sẽ “hạ hỏa” dần.