Lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết của cử tri

ANTĐ - Ngày 22-9, các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5 gồm ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội, và bà Nguyễn Phạm Ý Nhi – Chủ tịch Hội Nhi khoa TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Cùng dự buổi tiếp xúc cử tri còn có đại diện lãnh đạo một số Sở, Ban ngành của thành phố Hà Nội, lãnh đạo Huyện ủy, HĐND - UBND - MTTQ và đông đảo cử tri 2 huyện Đan Phượng, Hoài Đức.

Các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5 tiếp xúc
cử tri huyện Hoài Đức

Thay mặt các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5, ông Đinh Xuân Thảo đã tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND thành phố Hà Nội cũng như các nội dung, chương trình nghị sự dự kiến sẽ được triển khai tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. 

Ông Định Xuân Thảo tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri

Thông tin với cử tri 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức, ông Đinh Xuân Thảo cho biết, tại họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia; cho ý kiến về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 – 2020; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao… Đặc biệt, Quốc hội sẽ thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội, phê chuẩn Phó Chủ tịch và ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. ..

Tại buổi tiếp xúc, cử tri 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức đều bày tỏ sự phấn khởi về kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và nêu hơn 30 vấn đề, kiến nghị gửi tới các đại biểu Quốc hội. Một trong những nội dung được nhiều cử tri quan tâm là tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực ngoại thành. Các cử tri cho rằng, việc thiếu hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải từ các làng nghề, khu công nghiệp đã khiến môi trường bị hủy hoại.
Vẫn tồn tại một số nhà máy chế tạo quặng hoạt động gần khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Lo lắng môi trường thiếu trong lành là nguyên nhân gây nên các loại bệnh dịch, cử tri kiến nghị di dời các nhà máy, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư và mong muốn Nhà nước sẽ siết chặt các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch và xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý rác thải, chất thải tại khu vực ngoại thành.

Cử tri huyện Đan Phượng nêu kiến nghị tại buổi tiếp xúc

Tiếp xúc các đại biểu Quốc hội, cử tri 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức cũng nêu nhiều vấn đề đang được cử tri cả nước quan tâm. Về tình trạng giá điện và xăng dầu lên xuống thất thường, cử tri Nguyễn Ngọc Mậu (ở xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng) cho rằng, cần có cơ chế điều chỉnh hợp lý giá các mặt hàng này cũng như các sản phẩm, loại hình kinh doanh dịch vụ ăn theo. Điện, xăng tăng rất nhanh nhưng khi giảm thì nhỏ giọt. Mỗi khi 2 mặt hàng đặc biệt này tăng giá thì tất cả các mặt hàng khác đều rục rịch tăng theo. Nhưng khi giá điện, xăng dầu giảm thì giá các dịch vụ, mặt hàng vẫn giữ nguyên, không có sự điều chỉnh. Các cử tri cũng cho rằng sẽ là bất hợp lý khi ngành điện độc quyền kinh doanh nhưng liên tục báo lỗ dù lương, thưởng của của cán bộ nhân viên lại cao hơn các ngành khác. Các cử tri mong muốn, giá điện sẽ được áp dụng theo vùng miền, có sự ưu tiên nhất định đối với người dân nông thôn và vùng sâu, vùng xa.

Sau khi lãnh đạo 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức giải đáp những vấn đề, ý kiến cử tri kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung thay mặt các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5, đã tổng hợp các vấn đề mà cử tri nêu và xác định rõ từng vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, của UBND TP Hà Nội.

Trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết của cử tri, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 5 sẽ tiếp thu, chuyển toàn bộ những ý kiến, kiến nghị đến các cấp, cơ quan có thẩm quyền, đồng thời giám sát các đơn vị chức năng trong việc trả lời những kiến nghị, thắc mắc của cử tri.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung thay mặt các đại biểu Quốc hội trân trọng
tiếp thu ý kiến cử tri

Với tư cách là Giám đốc CATP Hà Nội, tại buổi tiếp xúc, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đã thông tin đến các cử tri một số vấn đề được nhiều người quan tâm như công tác đảm bảo an ninh nông thôn và bố trí lực lượng Công an cơ sở.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị thuộc CATP và sự giúp đỡ, hỗ trợ có hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân, thời gian vừa qua số vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn Hà Nội đã giảm 5-6%, trong đó trọng án giảm 27%. Ngoài việc khám phá nhiều ổ nhóm phạm tội, đường dây ma túy quy mô lớn, CATP còn phối hợp với Sở LĐ TB&XH đưa hàng nghìn trường hợp nghiện ma túy đi cai nguyện tự nguyện.
Đối với các địa bàn ngoại thành như Hoài Đức và Đan Phượng, Công an Hà Nội đã chủ động nắm thông tin, dự báo tình hình để từ đó triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh nông thôn tăng cường biên chế, bố trí lực lượng CSCĐ, thành lập các Đồn Công an.
Đối với lực lượng công an cơ sở, CATP đã xây dựng, triển khai sâu rộng Đề án số 16 với nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường, củng cố lực lượng công an xã. Trên cơ sở kết quả rà soát từng địa bàn cụ thể, Công an Hà Nội thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bố trí số lượng công an viên theo tình hình địa bàn, quan tâm đến chính sách, chế độ đãi ngộ, các khoản phụ cấp và sắp tới sẽ trang cấp thêm giường tủ, đèn pin, quần áo đi mưa cho Công an cơ sở.