“Làng kiểm lâm” dưới rừng Trút

ANTĐ - Trong khi nhiều người vì cái lợi trước mắt đã tìm đủ mọi cách phá rừng để lấy gỗ, thì 7 hộ dân ở tổ 4, thôn Xanh, xã Trà Trung, huyện Tây Trà lại ngày đêm canh giữ rừng Trút, với một suy nghĩ đơn giản: Để con thú có chỗ ở không phải bỏ đi nơi khác; con chim có cây để đậu, làm tổ. Và mùa khô, con suối sẽ không bị cạn để người trong làng lấy nước về dùng.
“Làng kiểm lâm” dưới rừng Trút ảnh 1
“Làng kiểm lâm” tổ 4, thôn Xanh

Khu rừng nguyên sinh ngay cạnh đường giao thông

Nằm ở xã thuộc huyện miền núi xa nhất của Quảng Ngãi, thế nhưng rừng Trút chỉ cách tuyến giao thông Di Lăng - Trà Trung chưa đầy 6km và có đường để ô tô chạy đến tận nơi. Với vị trí đầy “thuận lợi” và núi xung quanh đã bị “cạo sạch”, thì sự tồn tại gần như nguyên vẹn của hàng trăm héc ta của khu rừng Trút từ bao đời nay đã làm chúng tôi ngạc nhiên sững sờ. Từ bìa rừng cho đến bên trong không biết cơ man nào các loại cây lớn, bé, đặc biệt là những loại quí, như: Lim xanh, Lim xẹt, dổi… vốn tưởng chừng chỉ còn tồn tại trong rừng sâu, với đủ kích cỡ sừng sững đứng nối nhau, toả bóng mát. Nhỏ thì thân to cỡ một vòng tay người, lớn  5-7 người ôm. Riêng tại điểm bên trong, cách bìa rừng phía tây khoảng 20m, có một cây lim xanh cao ước trên 25m, gốc to đến 12 người ôm cũng không xuể. Anh Hồ Văn Thế, người dân ở tổ 4 đang dẫn chúng tôi bĩu môi: Cỡ đó thì ăn thua gì, ở rừng này nhiều cây còn to hơn. Theo ông Nguyễn Hữu Quân (57 tuổi), một “chuyên gia” về gỗ ở T.p Quảng Ngãi thì: Với kích cỡ như vậy, cây lim đó phải có vòng đời 500-700 tuổi. Và với giá thị trường hiện nay, nếu bán “bèo” nhất cũng không dưới 600 triệu đồng. Mà đâu chỉ một vài, số lượng cây lim, dổi đang hiện diện tại rừng Trút ước phải lên đến con số hàng ngàn.

Nó làm việc xấu, thì nó phải sợ mình chứ

Một trong những cây lim xẹt ước 500-600 năm tuổi ở rừng Trút

Không phải chờ đến khi mà rừng bị tàn phá nặng nề như mấy năm gần đây thì rừng Trút mới được người dân tổ 4 canh giữ. Việc giữ rừng Trút có từ hàng trăm năm qua và được truyền từ đời này đến đời khác, trở thành chuyện đương nhiên như thể “con người muốn sống phải ăn” vậy.

Già làng Hồ Văn Ba (70 tuổi), nhớ lại: Hồi còn giặc Mỹ, có lần thấy nó cưỡi máy bay vòng quanh, sợ nó phun lửa, bỏ chất độc để phá khu rừng này nên tao đã lấy súng bắn đuổi, may sao nó bay đi không trở lại. Anh Hồ Văn Thế, kể: Sau khi phá trụi và khai thác hết những khu rừng xung quanh, thấy núi Trút có nhiều cây gỗ quí nên một nhóm lâm tặc ở Sơn Hà lén mang dụng cụ đến để cưa. Thấy bọn họ đông, mặt mũi hung hăng, bặm trợn lại nghe nếu đuổi thì họ sẽ làm phép cho chết, vì vậy đâm ra sợ không dám lên đuổi nên vội chạy đi tìm già Ba để báo. Sau khi cầm rựa và cùng người trong làng lên đuổi số lâm tặc trên, lúc trở về nhà, già Ba quay sang mắng: Nó là người xấu đi phá rừng nếu làm phép thì “phép” sẽ vật nó chết, còn mình là người giữ thì sao mà “phép” bắt chết được, nhớ chưa. Nhờ vậy mà từ đó, người trong làng không ai sợ bọn xấu khi chúng xâm nhập vào rừng nữa.

Và để “chắc ăn”, con đường vào rừng từ làng được già Ba dùng tre rào lại. Không chỉ là người “chỉ huy”, mà già Hồ Văn Ba còn được người dân nơi đây xem là “con mắt của rừng Trút”. Gần cả cuộc đời gắn bó với rừng Trút, tuy tuổi đã cao thế nhưng dù ngày, hay đêm thì sự xâm nhập, hay những tiếng động khác lạ cũng không lọt qua được ánh mắt, đôi tai của già Ba. "Bọn lâm tặc chỉ muốn chặt cây lớn vì như thế mới bán được nhiều tiền. Nhưng cây lớn cứng lắm phải dùng cưa máy, tiếng kêu rất to; xung quanh rừng Trút dốc cao vào rất khó nên có chặt xong muốn đem gỗ ra phải đi qua làng nên biết liền, già Ba giảng giải.

Điều đáng quí là cuộc sống của 7 hộ, gồm 32 khẩu ở đây tuy rất nghèo, thế nhưng từ bao đời nay chưa một người dân nào trong làng nghĩ đến chuyện lấy gỗ để bán. “H”, một tay lâm tặc có tiếng ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà đã hoàn lương, kể: Cách đây 3 năm đã đích thân cầm gần 200 triệu đồng sang, với mục đích mua sự im lặng của các hộ dân làng này để cho cả nhóm hạ 2 cây lim xanh. Tưởng rằng với số tiền quá lớn như vậy thì mọi người sẽ đồng ý, nào ngờ đáp lại chỉ là những cái lắc đầu đầy kiên quyết, dù số tiền sau đó được nâng lên gần 300 triệu đồng. Theo người dân trong tổ thì: Số vụ lâm tặc xâm nhập rừng Trút để khai thác trong vòng 10 năm qua tính chưa hết 1 bàn tay xoè. Và hầu như chưa có vụ nào mà lâm tặc hạ và đưa được gỗ ra khỏi khu rừng này.

Để rừng Trút vẫn là “vàng”

Một góc khu rừng Trút

Không nghĩ và hiểu nhiều những ý nghĩa sâu xa của nạn phá rừng. Và cũng chẳng cần đến bất kỳ một sự vận động; đầu tư, trợ giúp, hay trả công… từ các cấp ngành ở Quảng Ngãi, thế nhưng từ mấy chục năm qua 7 hộ dân tổ 4, thôn Xanh, xã Trà Trung vẫn ngày đêm canh giữ rừng Trút, họ được người dân ví như “làng kiểm lâm” với một lý do đơn giản: Để con thú có chỗ ở không phải bỏ đi nơi khác; con chim có cây để đậu, làm tổ. Và mùa khô, con suối sẽ không bị cạn để người trong làng lấy nước về dùng. Nhờ vậy mà rừng Trút rộng đến cả trăm héc ta, với hàng trăm cây gỗ quí vẫn bình yên. Thế nhưng với cuộc sống quá nhiều khó khăn như hiện nay của họ và số kẻ coi việc phá rừng để lấy gỗ làm giàu còn nhiều, với thủ đoạn tinh vi hơn… thì sự tồn tại của rừng Trút chẳng khác nào “miếng mỡ treo trên miệng mèo”. Vì vậy các cấp ngành Quảng Ngãi cần phải có giải pháp và sự trợ giúp cho số hộ trên để rừng Trút vẫn tiếp tục “sống” và thật sự là “vàng” đúng như ý nghĩa của nó.