Làng hoa còn lại chốn này

ANTĐ - Ngay giữa chốn kinh kỳ ồn ào náo nhiệt, vẫn có một ngôi làng ngợp sắc hoa và ngát hương hoa. Ấy là cảnh có thật hẳn hoi, nhưng là của một thời quá vãng về làng hoa Ngọc Hà…

Làng hoa còn lại chốn này ảnh 1Hình ảnh những cô gái làng hoa Ngọc Hà chít khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân
đã gắn liền với vùng đất hoa thơ mộng

Tìm lại giấc mơ hoa

Hoa Ngọc Hà bao nhiêu năm nay chỉ còn trong ký ức. Ngôi làng nơi lưu giữ giấc mơ về miền hoa thơ mộng ấy giờ vẫn còn nhưng đã khác xưa, chẳng vương lại bất cứ dấu tích gì để người ta nhận ra vùng trồng hoa nức tiếng Thăng Long - Kẻ Chợ đã đi vào thi ca nhạc họa năm nào. Giờ thì cả làng chỉ còn ông Trần Nguyên Bộ là người duy nhất còn giữ nghề trồng hoa năm xưa. Đi trên con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn vào làng, hình dung về những thửa hoa mướt mắt giờ làm gì còn nữa, chỉ có cảm giác bí bách đến ngộp thở khi bước trên con đường hẹp vừa đủ để hai chiếc xe máy tránh nhau, san sát đó là la liệt hàng quán bày bán dưới tầng một của những ngôi nhà bê tông kiên cố. Lần đường vào nhà ông Bộ theo địa chỉ ghi trên giấy mà đường làng chẳng khác gì…mê trận, vậy là đành dừng lại hỏi. Hỏi “ông Bộ trồng hoa”, một chị quẩy gánh hoa quả bán bên đường làng nhanh nhảu dẫn vào tận nơi. Ngôi nhà của ông Bộ nằm lọt thỏm tận cuối một con ngách nhỏ, cách chỗ họp chợ không xa nhưng tĩnh mịch lạ thường. Với tay định tìm chỗ bấm chuông mà không thấy, cụ già hàng xóm thấy vậy nói với sang: “Không có chuông đâu, cháu cứ gọi to lên, ông ấy ở đằng sau vườn đấy!”. 

Rốt cuộc, cuộc gặp không hẹn trước với người trồng hoa còn “sót” lại ở làng hoa Ngọc Hà cũng diễn ra, có điều không như những hình dung ban đầu. 

Những chuyện ngày xưa

Dường như đã quen với những cuộc viếng thăm bất chợt, người đàn ông ở tuổi thất thập cổ lai hy trong bộ quân phục cũ, chân đi tập tễnh mở rộng cửa đón khách vào nhà. Gần một năm nay, ông Bộ không còn trồng hoa nữa vì bị đau khớp chân và thoát vị đĩa đệm. Vậy là nơi ươm giấc mơ cuối cùng cho hoa Ngọc Hà cũng chính thức mất đi. Vẫn biết đến một lúc nào đó, điều này ắt xảy ra nhưng sao hụt hẫng lạ. Dù vậy, tôi vẫn muốn được ngồi trò chuyện với ông bởi sự tò mò đối với bậc cao niên có tiếng “say” hoa bậc nhất làng hoa năm nào. 

Trong câu chuyện với người khách lạ, ông Bộ thường nhắc đến hai từ “ngày xưa”. Ông bảo ngày xưa đến Ngọc Hà là như lạc vào xứ hoa, đi trên trục đường chính hay các nhánh đường xương cá dẫn vào làng đều toàn hoa là hoa, hai bên bờ giậu nhà nào cũng chi chít hoa, ngay cả khu đất trước mặt nhà ông cũng là ruộng hoa rộng thênh thang. Ngày ấy, vườn nhà ông trồng đủ thứ hoa, từ các loại hoa lạ du nhập từ nước ngoài về như: phăng-sê, violet, lay ơn, thược dược… đến những giống hoa ngát hương được xếp vào hàng quý tộc như: hoa hồng, hoa cúc, hoa lan,…Mỗi dịp Tết đến xuân về, mọi người thường tìm vào tận vườn để mua hoa, cảm giác thích thú khi được tự tay ngắt bông hoa mình chăm chút đem bán cho tới giờ ông vẫn chưa quên.

Cái ngày xưa ấy trong trí nhớ của ông Bộ vẫn còn nguyên hình ảnh các bà, các chị mỗi người cầm trên tay một cái đèn Hoa Kỳ nhỏ quẩy gánh ra chợ bán đủ các loại như: hoa sói, hoa ngâu, ngọc lan, hoa bưởi…gói trong chiếc lá dong. Thời ấy, ông bảo người Hà Nội thường bày các loại hoa ở đĩa để thắp hương chứ không cắm lọ như bây giờ. Ngày đó, mẹ ông, rồi cả vợ ông cũng như bao cô gái làng hoa Ngọc Hà khác, cũng chít khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân, đi guốc mộc gánh hoa đi bán khắp chốn Hà thành… Câu thơ “Ngày rằm đi chợ mua hoa/ Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua” cũng từ ấy mà ra.

Làng Ngọc Hà xưa nhiều ao, hồ. Những ngày giáp Tết thế này mà vào thời ấy, ông bảo cả làng lại rộn ràng hò nhau ra ao tát nước, phơi bùn cho khô rồi đập nhỏ ra, trộn với phân gio để làm đất trồng hoa. Hoa Ngọc Hà đẹp nức tiếng cũng bởi được hút chất dinh dưỡng từ thứ đất màu mỡ tự nhiên ấy. Ngày đó, cứ độ Tết đến xuân về, người Hà Nội lại nô nức rủ nhau vào làng Ngọc Hà ngắm hoa. Còn người dân trong làng vẫn có thói quen tao nhã là giữ lại chậu hoa đẹp nhất để thưởng lãm. Cái thú chơi hoa bình dị mà sang đến lạ lùng!

Làng hoa còn lại chốn này ảnh 2Ông Bộ cần mẫn vun vén “giấc mơ hoa” trên mảnh vườn hoa duy nhất
còn sót lại ở làng Ngọc Hà. Ảnh: LÊ HỮU THỌ

Ước vọng tương lai

Hơn 20 năm qua, mảnh vườn rộng hơn 200m2 ở phía sau gian nhà nhỏ của ông Bộ là nơi duy nhất còn trồng hoa Ngọc Hà. Thỉnh thoảng vẫn có người gõ cửa nhà ông chỉ để được tận mắt xem những bông hoa “danh bất hư truyền” nức tiếng Kinh kỳ. Người gốc làng Ngọc Hà giờ không còn nhiều. Kể cũng lạ, người khắp nơi về bán buôn đủ thứ, nhưng tuyệt nhiên không thấy bán hoa. Ngôi nhà mà gia đình ông Bộ ở cũng là ngôi nhà cũ hiếm hoi còn sót lại trong làng. Nhà xây từ năm 1982, vẫn giữ nguyên nếp cũ, chẳng sửa sang gì. Ông kể có bài báo nào đó viết về mình, bảo ông là ông già cổ hủ, sống trên cả đống tiền mà không biết. Ý là bảo ông dại, đất Ngọc Hà có giá, cứ bán phắt đi lấy tiền chứ giữ để trồng hoa làm gì cho khổ. Nghe vậy ông ức lắm. Ông bảo ngay cả khi cả làng bỏ hoa, ông vẫn quyết giữ nghề vì dẫu sao đó cũng là mảnh vườn cuối cùng của Ngọc Hà. Đến giờ, khi sức khỏe không còn như xưa, ông đành thôi trồng mà chỉ ươm vài luống hoa giống. Ông chọn ươm giống cúc các loại bởi loài hoa này vừa đẹp lại vừa bền. 

Người bạn đời của ông quê gốc Việt Trì, Phú Thọ, nhưng gần 40 năm về làm dâu làng hoa nên tài chăm hoa chẳng kém gì ông. Xưa bà vẫn gánh hoa đi bán ở đầu chợ Đồng Xuân. Nhiều năm nay, bà lại lóc cóc đạp xe lên chợ hoa Quảng Bá, nhưng là để bán hoa giống. Người ta bán hoa xong thì quay sang mua giống hoa của ông bà về trồng. Cái nghề ươm giống thì lâu, lại cầu kỳ tỉ mỉ lắm nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, giá cả trăm cây giống đến giờ vẫn chỉ bằng một mớ rau. Nhưng ông bảo đổi lại, rất nhiều người ở khắp các tỉnh, thành tìm về tận nhà mình để mua giống hoa về trồng, thế cũng vui!

Giờ lắm lúc ra vườn, ông lại tần ngần vì luyến tiếc. Ông bảo làng hoa Ngọc Hà tự dưng mất đi, tiếc lắm chứ, đất hoa một thời có tiếng thế kia mà! Giá kể còn làng hoa, chắc nơi này sẽ thành điểm du lịch nổi tiếng của cả Hà Nội ấy chứ. Người ta sẽ đến đây xem di tích máy bay B52 bị người Hà Nội bắn rơi trên hồ, tham quan đền, chùa, ngắm hoa, chụp ảnh. Rồi ông lại tính, giờ có đất trồng hoa mà không có ai truyền nghề thì biết làm thế nào? Đời ông, rồi đến đời con ông vẫn yêu hoa và biết trồng hoa, nhưng vẫn chẳng giữ nổi hoa…Vậy nên hoa Ngọc Hà giờ chỉ còn trong ký ức của những người hoài cổ. 

Rời nhà ông ra về đã quá trưa, những câu hát “Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa/ Hồ Tây đôi bên trong tình yêu hoa lúa rộn ràng…” từ chiếc đài cassette rộn lên xao xuyến như níu chân người ở lại. Làng giờ đã thành phố. Nhưng cứ ước, cứ mong chờ giấc mơ diệu kỳ về ngôi làng mênh mông hoa giữa lòng Hà Nội một ngày không xa sẽ trở lại…