Làng gốm cổ huyền thoại

ANTĐ - Bàu Trúc (Ninh Thuận) tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok là tên một làng gốm cổ đầy huyền bí. Sau cả nghìn năm lặng lẽ làm nghề, đến nay gốm Bàu Trúc được xem như một “bảo tàng sống” của nghệ thuật tạo hình.

Sản phẩm gốm Bàu Trúc đầy huyền bí

Vợ chồng tổ nghề

Làng gốm Bàu Trúc nằm cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) khoảng 10km về hướng Nam. Từ Quốc lộ 1 đi vào chẳng bao xa, chúng tôi đã thấy những ngôi nhà trồng hoa champa cùng những hàng chữ Chăm trên bảng hiệu trước nhà. Làng Bàu Trúc không ồn ào, náo nhiệt, ngược lại khá vắng lặng. Nhưng trong mỗi ngôi nhà giản đơn kia là một lò gốm cổ kính mà bễ lò nung đã hằn màu thời gian. 

Anh Đàng Năng Tự, nghệ nhân trẻ nhất làng Bàu Trúc cho hay, truyền thuyết kể rằng, tổ của nghề gốm Bàu Trúc là vợ chồng ông Poklong Chanh. Hơn ngàn năm trước, ông đã dạy cho phụ nữ trong làng cách lấy đất, nắn, nung đất sét thành những dụng cụ sinh hoạt, vật trang trí. Nhớ ơn tổ nghề, bà con đã lập đền thờ, tổ chức cúng tế long trọng Poklong Chanh vào dịp lễ hội Katê hàng năm (tháng 9 đến tháng 10 dương lịch).

Bản thân cái tên Bàu Trúc nghe cũng rất lạ và đầy ý nghĩa. Anh Tự bảo đó là một làng cổ của huyện Ninh Phước. Làng còn có nghề dệt Mỹ Nghiệp cổ nhất Đông Nam Á. Người Chăm gọi tên làng mình là Ma Tró, sau trận lụt lớn năm 1964, làng dời về nơi cao ráo hơn,  nơi có rất nhiều tre trúc sống cạnh một cái hồ lớn. Tiếng Chăm, “bàu” nghĩa là ao hồ nên ghép tên làng là Bàu Trúc. Bây giờ, sau hàng ngàn năm làm nghề, Bàu Trúc như một rừng gốm bạt ngàn với hàng nghìn kiểu dáng cách điệu lạ lùng. Nhiều nhất là các bình hoa đủ dáng kiểu, kế đến là những tháp tượng mô phỏng vũ nữ Apsara, bình, ấm nước, nồi niêu, chum vại... Theo nghệ nhân cao tuổi Sử Thị Dinh, tất cả các sản phẩm gốm Bàu Trúc được làm từ nguyên liệu đất sét lấy từ mỏ đất, mỏ cát do phù sa sông Quao hình thành nên.

Chỉ phụ nữ mới được truyền bí kíp làm gốm Bàu Trúc

Công phu sét Quao

Nghệ nhân Sử Thị Dinh cho biết, làm ra được một sản phẩm gốm cũng lắm vất vả, công phu. Đất sét phải đập nhỏ. Sau đó, đất được rưới nước vừa đủ, trùm ủ một đêm. Sáng hôm sau, trộn đất với cát mịn nhào nhuyễn. Gốm được các nghệ nhân nắn và tạo hình hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay như những trường phái gốm khác. 

Lúc đã tạo xong hình dáng, sản phẩm được đem phơi nắng 4-6 giờ, sau đó dùng mảnh sành, sứ, nẹp tre cắt, gọt làm bóng, láng. Sản phẩm gốm sau khi phơi nắng, được để trong bóng mát khoảng chừng 5-10 ngày rồi xếp vào lò. Lò nung ngoài trời, trên những khoảng, nền đất trống. Gốm được ủ rơm, dùng củi đốt. Sau vài giờ đốt với nhiệt độ cao, lửa được tắt cho gốm nguội dần.

Gốm Bàu Trúc không tự lên men mà dùng màu sơn chế từ trái dông, trái thị rừng quét lên lớp da, sau đó đưa gốm vào lò nung cho hòa màu vào sét cho chín tới. Lúc này, gốm Bàu Trúc sẽ có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, bợt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, mang dấu ấn, dáng vẻ đặc sắc của văn hóa Chămpa cổ.

Tất cả các nghệ nhân của làng Bàu Trúc đều khẳng định, chỉ có sét sông Quao mới “sống” được trong lò nung Chămpa. Loại sét này cũng rất “khó tính” nên người thợ phải công phu nhào nặn và gửi tình yêu của mình vào đất với tất cả tấm lòng và cái tình yêu mến.

Mẹ truyền con nối

Làng gốm Bàu Trúc gần như vẫn theo chế độ mẫu hệ, tức là mẹ truyền con gái nối nghiệp. Chỉ có con gái mới được phép biết những bí kíp công phu quan trọng trong việc làm gốm. Vì thế, các cô gái từ 13 tuổi trở lên bắt đầu học nghề, họ phải biết và làm được các sản phẩm từ ấm, niêu đất đến chum, vại đựng nước. 

Điều này lý giải vì sao làng Bàu Trúc toàn nghệ nhân nữ. Chỉ mới vài năm trở lại đây, do chính sách bảo tồn làng nghề đã có một số nam giới được phong nghệ nhân. Nam giới ở Bàu Trúc trước kia chỉ là những người phụ việc. Còn công việc nặng của nghề làm gốm đều do phụ nữ đảm đương. 

Có lẽ thế mà những sản phẩm làng Bàu Trúc làm ra đều rất đa dạng. Những chum vại đến vò rượu đều tinh tế, yểu điệu vô cùng. Thậm chí những hoa văn, đường nét chi tiết hoa lá cũng rất giàu nữ tính.

Khách du lịch đến Bàu Trúc rất thích thú khi được xem các nữ nghệ nhân biểu diễn nắn, tạo hình gốm với bàn tay nhuần nhuyễn, điêu luyện trong những thao tác kỹ thuật đẹp mắt. Đôi bàn tay gầy đen, lấm lem đất, vê nhịp nhàng, thoăn thoắt biến khối đất sét vuông dần thành hình sản phẩm đầy chất nghệ thuật.

Theo tổng kết của chính quyền địa phương, làng gốm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ, trong đó gần như 100% hộ sống bằng nghề gốm truyền thống của dân tộc mình. Người Bàu Trúc rất nhạy bén, sản phẩm hiện thời họ làm rất đa dạng. Ngoài mặt hàng truyền thống như chum vại, các nghệ nhân còn chế tác tháp Chàm siêu nhỏ và các tượng thần đẹp mắt. Thậm chí, những lục bình gốm cỡ lớn khoảng trên 2m cũng được người Bàu Trúc sản xuất.

Hiện tại, làng Bàu Trúc vẫn chưa mở rộng cơ sở sản xuất ra bên ngoài vì theo họ đây là nghề truyền thống, phải giữ bí quyết thì mới ổn định lâu dài. Hơn nữa, họ quan niệm rằng, hữu xạ tự nhiên hương, nếu sản phẩm Bàu Trúc thực sự tốt - đẹp - bền thì khách sẽ tự tìm đến. Còn nếu sản phẩm không tốt, thì dù có quảng bá đến cỡ nào cũng không ai ngó ngàng.