Làng của những đại gia cầm dùi đục

ANTD.VN - Sơn Đồng - một xã nhỏ ở phía Tây Hà Nội thuộc huyện Hoài Đức còn giữ được nghề tạc tượng. Suốt 1.000 năm có lẻ, những thăng trầm sóng gió cùng những tao loạn thời cuộc không xóa nổi thứ nghề cổ xưa mà cha ông truyền dạy. 

Phần lớn sản phẩm là các tượng thờ

Nghìn năm tạc tượng

Xã Sơn Đồng không nhiều nhà cao tầng, không nhiều xe hơi, nhưng một người bạn tôi ở xã này tiết lộ làng có rất nhiều đại gia. Họ giàu có từ xưa nhờ nghề tạc tượng. Có lẽ, cái chân chất của nghề mộc đã ngấm sâu vào con người Sơn Đồng, nên họ không muốn khoa trương những giàu sang kia.

Giữa trưa, cả Sơn Đồng như không nghỉ, từ đường cái quan đến ngóc ngách thôn vẫn đều đều tiếng đục, tiếng bào. Hương gỗ mít lan xa át đi cả mùi nắng hạ. Những người thợ gò mình trên khúc gỗ, ngắm nghía  lấy hình dáng dọc ngang rồi nhẹ nhàng đục bỏ từng thớ. Cứ vậy, tay thoăn thoắt đưa lên đập xuống mà khúc gỗ đã thành hình tượng nhân.

Sơn Đồng còn nổi tiếng với những tác phẩm khó và phức tạp

Ở chốn này có câu “ra đường gặp nghệ nhân”, ý nói nghệ nhân rất nhiều, có khi nhiều hơn người thường. Bởi vì, ở danh sách của hội làng nghề đã có tới hơn nghìn thợ giỏi, ấy là chưa tính đến bậc cao niên đã ẩn lui về với vườn tược hoặc những nghệ nhân nay đã chân yếu tay run. Người trải qua 2 lần làm chủ tịch của hội làng nghề là ông Nguyễn Viết Thạnh. Ông Thạnh cũng là một tay thợ lão luyện.

Người Sơn Đồng rất kỳ công trong việc hoàn thiện tác phẩm

Đừng kể đến những kỹ thuật cơ bản, mà những tinh hoa nghề ông cũng chẳng lạ gì. Vì thế, ở một phường kỹ nghệ thì đấy là tiêu chí đầu tiên để bầu chọn hội trưởng. Ông Thạnh ít nói về mình, nhưng hay nói về làng, nhất là sử nghề. Ông bảo, nghề tạc tượng Sơn Đồng cũng đã có ngót nghét nghìn năm. Vì cứ lấy cái mốc năm Bính Tý 976 triều Tiền Lê với sự xuất hiện của đức thánh Đào Trực truyền dạy “phục nghệ giáo dân” thì đủ hiểu.  

Công sư phục nghệ

Ở Sơn Đồng hiện giờ vẫn còn đền thờ tổ nghề tạc tượng - cụ Đào Trực. Đền này còn giữ ngọc phả thần tích khá chi tiết do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Nhâm Thân 1572. Chuyện rằng, thời bấy giờ ở vùng Đào Giang Bạch Hạc có một thanh niên diện mạo phi phàm mày nghêu mắt thuấn, lưng vũ vai thang, am tường thiên văn địa lý, thạo lục tam lược.

Khi cha mẹ qua đời, người ấy du quan thủ địa đến Sơn Đồng Trang và thấy vùng này địa thế “biên cách chi hình”. Người ấy mới dựng nhà dạy học, chỉ bảo con dân, văn theo Khổng giáo, vũ theo Tôn Tử, dựng cả chùa Phật cho làng. Người dạy dân rằng, trước lấy điền viên công nghệ sinh nghiệp, sau lấy học hành khoa bảng xuất thân.

Khi Người hóa, nhà vua lệnh cho bản trang Sơn Đồng lập miếu, tạc tượng để thờ, lại phong cho làm Trực Công hiển ứng đại vương. Từ ngày ấy, Sơn Đồng lập đàn tế lễ nhớ ơn vị Nghệ sư Tổ Đào Trực. Trong ngôi đền cổ xưa ấy của làng, pho tượng Nghệ sư Tổ vẫn được lưu giữ cẩn mật và đầy tôn kính. Sau cả nghìn năm tan rồi lại hợp, hối rồi lại minh mà bức tượng cổ vẫn giữ nguyên giá trị điêu khắc, xứng tầm một bảo vật thánh thiêng văn hiến.

Tinh hoa tích tụ

Ông Nguyễn Viết Thanh lần giở sử làng lẫn sử nghề, vẻ đầy tự hào mà rằng: Sơn Đồng đời nào cũng nhiều người đỗ đạt như Thượng thư lưỡng quốc, Bảng nhãn, Thám hoa, Quận công, Tiến sĩ, Cửu phẩm văn giai, Bá hộ kỹ nghệ. Xưa, những nghệ nhân tài danh như cụ Bộ Túc, Bá Đấu, Bá Bơ, Chủ Mộ... Nay, tầng lớp nghệ nhân cấp quốc gia như Nguyễn Trung Nghị, Nguyễn Danh Sơn, Trần Quang Hùng... thật là đúng với câu “ra ngõ gặp nghệ nhân”.

Nghệ nhân Nguyễn Danh Sơn cũng không biết mình là đời thứ bao nhiêu làm nghề tạc tượng. Chỉ biết, khi còn bé xíu đã thấy cha ông lọ mọ làm nghề này. Lớn lên tí nữa, nghề cứ dần thấm vào máu qua mỗi lần giúp cha cưa khúc gỗ này, đục khúc gỗ kia.

Ông bảo, không phải chỉ có mình mới thế. Các thế hệ sinh ra ở đây đều vậy. Nghề cứ thấm dần như tinh hoa tích tụ, rồi đến lúc nào đó bộc phát. Tự tay làm nghề, từ bức tượng dễ đến khó, chi tiết nhỏ đến to đều thành thạo hết. Thành thử, ai bảo lấy khúc gỗ này đục thành bức tượng nghìn mắt nghìn tay thì chỉ một nhoáng là khúc gỗ thành hình thành tượng. Nhưng người Sơn Đồng không dừng lại ở đấy.

Họ biết cách làm sao cho pho tượng có thần thái, đường nét riêng biệt. Họ đã ngấm tâm hồn, cốt cách thánh nhân như mắt Phật phải thế nào, râu Hộ Pháp phải ra sao; những hoành phi câu đối, ban thờ cuốn thư không chỉ mực thước mà còn bay bổng ở những chi tiết nhỏ lẻ mà thường các thợ nơi khác đều không mấy chú ý tỉa tót.

Ông Sơn bảo rằng, nguyên liệu để tạc tượng đều là gỗ mít. Quan niệm dân gian cho rằng đấy là loại gỗ thiêng hợp việc chế tác đồ thờ cúng. Gỗ mít rất dẻo, mềm và thớ dăm nên bền, hiếm khi nứt nẻ, gọt thì dễ mà không sơ. Nhìn những cậu bé trong xưởng của ông, tay cứ thoăn thắt với mũi dùi mũi khía vào thớ mít mà thấy tài.

Từ một khúc gỗ nhỏ, người thợ nhỏ tuổi đã biết đến cách gọt những phần thô, tỉa sâu phần lõi, khía những đường nét uyển chuyển để pho tượng như biết cười, biết nói. Nói thì dễ vậy, nhưng những người thợ cả nơi đây đều nói tất cả đều phải học. Thấy những pho tượng đẹp như tinh hoa tích tụ cả nghìn năm nhưng cũng không biết cơ man nào là mồ hôi nước mắt đã chảy ướt đất để biến một khúc gỗ thành tượng thánh nhân.

 “Sơn Đồng có hơn 1.700 hộ với 7.800 nhân khẩu thì hơn 300 hộ chuyên làm nghề mộc với hơn 4.000 thợ lành nghề. Doanh thu từ làng nghề chiếm tới 80% tổng nguồn thu của xã”, ông Nguyễn Chí Lợi, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết.