Làng bóng đá Việt trong mắt Phan Đăng

ANTĐ - Nhà báo trẻ tài năng thế hệ 8x - Phan Đăng luôn tự nhận mình là một người "điên" và "rồ" khi viết lách. Nhưng cái chất điên rồ và rất "dị" ấy của anh lại luôn như một món ăn đầy thi vị đối với những người yêu bóng đá. Việc cho ra đời cuốn sách bóng đá đầu tay (và cũng có thể là duy nhất) của Phan Đăng ngay giữa lúc EURO 2016 đang nóng bỏng là một minh chứng.

Cuốn sách của Phan Đăng mang một cái tên rất nhẹ nhàng và đáng yêu: "Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi". Tại sao không phải chỉ đơn giản là "Làng bóng trong mắt tôi"? Đem điều này hỏi Đăng, anh chỉ ngắn gọn: "Đơn giản là tôi thích thế". Một câu trả lời rất Phan Đăng.

Cuốn sách về làng bóng đá Việt Nam của Phan Đăng

Đứa con tinh thần đầu đời này, theo nhà báo 8x, là những câu chuyện được anh khắc họa qua lăng kính của riêng mình sau 10 năm viết, bình và sống cùng báo chí mảng thể thao. Ở đó, có những nhân vật, nhưng phận đời... gắn liền với mọi mảng tối sáng của bóng đá Việt Nam mà theo Phan Đăng, chính họ đã góp phần tạo nên một "cái làng" bóng như bây giờ.

Phan Đăng (giữa) trong buổi ra mắt cuốn sách "Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi". Bên trái ảnh là nhà báo kỳ cựu Vũ Công Lập, bên phải là nhà thơ Hữu Việt.

Bao quát về cuốn sách, nhà báo lão thành Vũ Công Lập có những chia sẻ chân tình và sâu sắc: "Thật vui, khi được đọc một cuốn sách về bóng đá Việt Nam. Nhiều năm rồi, mọi cuốn sách về bóng đá in ra đều viết về bóng đá ngoại, cầu thủ ngoại.

Phan Đăng gọi đây là làng bóng. Làng, nghĩa là còn nhỏ. Làng nghĩa là thân thương, gần gũi. Thường thì trong làng người ta quen biết nhau cả. Nói về làng, có thể kể ngay ra từng gương mặt. Những gương mặt làm nên hình hài của cả làng. Trong phần một của cuốn sách, Phan Đăng dành ra 50 câu chuyện nhỏ để phác thảo ra hơn 50 bức chân dung, vì có câu chuyện dành cho không chỉ một nhân vật. Đấy chưa phải là tất cả, nhưng điểm qua những chân dung ấy, ta sẽ hình dung ra cả sân cỏ bóng đá Việt Nam trong suốt một khoảng thời gian dài. Là những người mình đã biết cả, nhưng đọc một mạch, thấy vỡ ra nhiều điều, đọng lại nhiều ấn tượng”.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói về cuốn sách của Phan Đăng

Trong cuốn sách dày gần 350 trang của Phan Đăng, biết bao nhân vật đã được hiện lên một cách sinh động, góc cạnh và tất nhiên, đầy sắc màu. Từ chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, cho tới Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Vinh, Hữu Thắng và cả Văn Quyến. Bên cạnh đó là những HLV Rield, Calisto, Miura hay những "tay mơ" như Tavares và Falko Goetz... Số phận của họ đan xen trong những mảnh đời của các trọng tài, những nhà quản lý, những ông chủ... tạo nên một thế giới đầy thi vị của Phan Đăng.

Đến dự buổi ra mắt cuốn sách "Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi" của Phan Đăng cuối tuần qua, có cả những nhân chứng sống trong những trang sách của anh. Đó là cựu cầu thủ Hà Bôn - ông "Giám đốc bảo tàng bóng đá" có một không hai ở Việt Nam, đó là trọng tài Dương Mạnh Hùng, do điều kiện không đến dự được đã cử con trai của mình gặp bằng được Phan Đăng tại buổi ra mắt, để mang về những dòng lưu bút mà trọng tài này vô cùng trân trọng... Và tất nhiên, phải kể tới hàng trăm độc giả, khán giả yêu thích chất giọng, chất văn khác lạ của nhà báo 8x này đến kín hội trường, mà Phan Đăng mô tả, là "một đỉnh cao của hạnh phúc".

Rất đông độc giả, khán giả của Phan Đăng đã đến chia vui cùng anh

Về con đường nghề của mình, anh chia sẻ: "Khi mới bước chân vào nghề, tôi đã được dạy rằng làm gì cũng phải có triết lý hành nghề của riêng mình. Một là, cố gắng nhìn bóng đá ở góc độ thân phận con người, chứ không chỉ là chuyện chiến thuật, chuyện 4-4-2, 5-3-2 này nọ. Hai là, cố gắng nói những cái mà nếu không phải bóng đá mình không dễ nói ra. Có nghĩa, nhiều khi quả bóng chỉ là một ẩn dụ cho những chuyện gần, xa cuộc đời. Và ba, tuyệt đối không ăn phong bì của các ông bầu, các đội bóng. Tuyệt đối không để cho những người có tiền khinh rẻ, và nghĩ rằng đồng tiền của họ có thể dễ dàng mua được ngòi bút của anh em làm nghề chúng tôi”.

Phan Đăng và một nhân vật sống động trong cuốn sách của anh - cựu cầu thủ Hà Bôn

“Bây giờ, 10 năm nhìn lại, tôi tự thấy mình đã làm đúng 3 tiêu chí này. Dĩ nhiên cũng có những bài viết ngày xưa mà giờ đọc lại, tôi tự thấy xấu hổ với bản thân, vì nó hơi khiên cưỡng, hoặc hơi cường điệu, nhưng tất cả những cái đó đều đến từ lỗi nhận thức (do trình độ nhận thức của tôi thời ấy còn non nớt), chứ tuyệt đối không phải do tiền bạc hay phong bì điều khiển”, Phan Đăng nói tiếp.

Và cuối cùng, Phan Đăng dành một lời "tạ ơn" đối với những gì mà anh có được cho đến lúc này: "Hạnh phúc lớn nhất khi làm quyển sách đầu tay không chỉ nằm ở những gì có trong sách, mà ở cái cách nhưng người anh, người chị, người em, những đồng nghiệp, bạn bè, độc giả gần xa đã ứng xử quá đẹp với mình. Xin tạ ơn cái TÌNH trong cuộc sống này - cái mà tôi may mắn được nương vào đó!".