Làng biệt thự đang bị lãng quên

ANTĐ - Chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 40km, song không nhiều người biết đến làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, ngôi làng nhỏ với hàng chục ngôi biệt thự cổ đã lên màu rêu phong. Người dân trong làng cho biết, về làng nhiều nhất vẫn là sinh viên kiến trúc, mỹ thuật rồi đến nhà báo, tuyệt nhiên không thấy các nhà quản lý và bảo tồn…

Cổng Làng Cựu


Chuyện xưa…

Ông Nguyễn Thiện Tứ, một người dân trong làng kể lại, ngôi làng có sắc vóc như ngày hôm nay một phần là nhờ… lửa. Vốn là nơi đồng chiêm trũng, mỗi năm chỉ cày cấy được một vụ, nên cuộc sống của người dân thiếu thốn quanh năm. Rồi một buổi chiều năm 1921, một ngôi nhà trong làng do bất cẩn đã để xảy ra hỏa hoạn. Ngọn lửa cứ thế lan ra, “liếm” sạch cả làng.

Sau vụ cháy ấy, người làng Cựu phải tỏa đi tam phương tứ hướng tìm kế mưu sinh. Và cũng chính từ sau cơn thịnh nộ của “bà Hỏa” đã tạo nên những người thợ may tài hoa bậc nhất Hà thành. Nghề may của làng Cựu vươn đến tận Sài Gòn - Chợ Lớn, rồi sang Pháp. Và khi đã có tiền, các thương gia trở về làng xây nên những ngôi biệt thự bề thế. Biệt thự nọ nối tiếp biệt thự kia, trải dài đến gần một cây số đường làng. Ngôi làng từ đó mang diện mạo mới. Hiện tại, ước tính cả làng còn khoảng 30 ngôi biệt thự được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1928 đến 1945 với kiểu kiến trúc vòm cuốn, ngói mũi, gỗ lim, chất kết dính là mật với muối.

Những ngôi nhà ở đây được chủ nhân chau chuốt đến từng chi tiết nhỏ, ngoài ngõ, trong nhà đều được điểm xuyết bằng hình hoa lá, hạc, phượng, hươu, nai. Đường làng được lát đá xanh. Nhà ông Xã Vinh là một trong những biệt thự cầu kỳ nhất. Lối ngõ thênh thang, hai tòa nhà hai bên nối với nhau bằng một cầu bê tông. Nhà cụ Hàn Thăng lại mang dáng dấp cổ, cửa bức bàn, cột gỗ lim to…

Trước năm 1945, làng Cựu đã có điện. Những ông chủ hiệu may nổi tiếng chơi sang mang điện về thắp sáng khắp trong nhà ngoài ngõ. Những cột điện giờ vẫn còn nguyên vẹn trên dọc đường làng, dấu tích của một thời xa hoa. Không chỉ có thế, những người giàu có nhất làng như cụ Chu Văn Luận mang tiền về xây trường học. Có lẽ, trường Huỳnh Thúc Kháng cũng là ngôi trường đầu tiên mang ngoại ngữ dạy cho trẻ con trong làng. Và từ đó, một làng Cựu nơi vùng chiêm trũng nghèo nàn đã trở thành một “làng Tây” sang trọng.


Chuyện nay…

Những nếp nhà cổ nằm dọc đường làng

Làng Cựu giờ không còn cái vẻ hào hoa của mấy chục năm về trước. Qua biết bao thăng trầm, những ngôi biệt thự cổ hôm nay khoác lên mình một màu trầm buồn của rêu phong. Dọc đường làng, đi sâu vào từng con ngõ, những ngôi biệt thự vẫn hiện diện, nhưng cũ kỹ và xuống cấp. Cũng ra đời cùng thời gian với làng Cự Đà (Thanh Oai) nhưng không hiểu sao làng Cựu (Vân Từ) lại không nổi tiếng bằng Cự Đà, không được mấy các nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn quan tâm. Có người nói đó là một thiệt thòi, nhưng người khác lại bảo, chính sự “bị quên” là một cái… may.

Vì thế, mà làng Cựu còn gần như nguyên vẹn đến ngày hôm nay.  Xưa làng Cựu đông đúc là thế, sau năm 1954, những người dân gốc của làng vì thời thế mà phải bỏ làng tha phương nơi đất khách. Người sang định cư ở nước ngoài. Người lên phố cổ… Nhiều ngôi biệt thự giờ hoang phế, cỏ dại ngút ngàn. Ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Chủ tịch xã Vân Từ cho biết, hiện có tới 1/3 số biệt thự trong làng bị bỏ không. Chủ nhà ở xa, thỉnh thoảng mới về ngó nghiêng một chút rồi khóa cửa để đấy. Lại cũng có nhiều biệt thự thuộc sở hữu cùng một lúc mấy hộ, bị bán đi bán lại nhiều lần, mỗi hộ lại tu sửa, cải tạo theo ý riêng, nên kiến trúc nguyên bản đã bị biến dạng đi ít nhiều. Ông Nguyễn Thanh Xuân cũng cho biết thêm, hiện cả làng chỉ có khoảng 100 hộ, sống chủ yếu bằng nghề nông, không có nghề phụ gì khác.

Thanh bình - đó là cảm nhận của chúng tôi, những người lần đầu tiên đến thăm làng. Dường như cái sự đô thị hóa, cái ầm ĩ và bụi bặm ven Quốc lộ 1A vẫn còn cách rất xa cổng làng. Dẫn chúng tôi thăm làng, anh Nguyễn Quang Huy - trưởng thôn Cựu, sinh năm 1981, một trưởng thôn trẻ nhất từ trước tới nay mà tôi từng gặp bảo, cứ để xe gọn vào là được, đi từ sáng tới tối cũng không mất. Tệ nạn xã hội chưa mon men đến làng. Rồi anh Huy kể, chuyện có nhà quên khóa cửa cả đêm, sáng dậy vẫn không bị trộm “hỏi thăm”... đến chuyện xưa nay, trong làng chẳng nhà nào bị mất chó, trộm gà bao giờ…

Rõ ràng, làng Cựu đang chứa một tiềm năng du lịch lớn. Nhưng ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Chủ tịch xã Vân Từ bảo, biết là có “của chìm” đấy, nhưng việc làm du lịch thế nào lại vượt ra ngoài thẩm quyền của xã. Thấy làng Đường Lâm, làng Cự Đà lên báo chí ầm ầm, lãnh đạo xã Vân Từ cũng thấy… nóng ruột. Cũng muốn đề xuất lên trên việc bảo tồn tôn tạo, hơn nữa là xếp hạng “làng biệt thự cổ”, nhưng việc xếp hạng rồi làm hồ sơ thế nào chính quyền xã cũng không nắm được. Cũng đã vài lần “đánh tiếng” lên trên xin được hướng dẫn, nhưng rồi cũng không thấy ai nói gì. Thế là đành thôi… Làng Cựu lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”- cũng giống như tình cảnh của nhiều làng cổ khác ở Hà Nội.  

Chờ một ngày được cải tạo tu bổ, gìn giữ và đưa vào khai thác du lịch có lẽ vẫn là một tương lai xa và mờ mịt đối với những ngôi biệt thự cổ ở làng Cựu - ngôi làng bên bờ sông Nhuệ.