Lan tỏa những “vùng xanh” yêu thương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bắt đầu từ sáng qua, các ngõ phố quanh khu nhà tôi có thêm những chốt kiểm soát, những tấm biển ”vùng xanh” được dựng lên. Đó là niềm vui vì nơi này còn an toàn, chưa có dịch Covid-19 xâm nhập, vừa là niềm hy vọng mong mỏi cho những “vùng xanh” khác nhân lên. Nhưng tấm biển cũng là nỗi lo lắng ngập tràn, liệu bao giờ thì Hà Nội hết dịch, bao giờ thì TP.HCM và các tỉnh thành khác mạnh khỏe? Bao giờ thì chúng ta thực sự được trở lại cuộc sống bình thường như những ngày tháng cũ?
Những chuyến xe chở thực phẩm cứ len lỏi khắp các con phố ở TP.HCM, đến với các bệnh viện dã chiến và khu cách ly (ảnh FB Vũ Trần)

Những chuyến xe chở thực phẩm cứ len lỏi khắp các con phố ở TP.HCM, đến với các bệnh viện dã chiến và khu cách ly (ảnh FB Vũ Trần)

Những tấm biển “vùng xanh” vẫn thấy ở từng tổ dân phố hay những con ngõ nhỏ. Nhân sự trực “chốt” chẳng đâu xa. Đó là ông Tổ trưởng dân phố, đó là mấy bác trong Hội Phụ nữ phường, rồi cả Đoàn Thanh niên phường nữa. Công cuộc phòng chống dịch hối hả và gấp rút như thời chiến vậy.

Vì toàn là hàng xóm láng giềng nên đi qua chốt, dù có đeo khẩu trang kín mít thì vẫn còn nhận ra nhau qua giọng nói, qua ánh mắt. Dịch giã căng thẳng thế này, ngồi nhà nhiều khi còn đủ thứ lo lắng. Nhưng tuyệt vời là ở chỗ, vẫn còn có rất nhiều người sẵn sàng xung phong chung tay cùng cộng đồng làm bất cứ việc gì dù vất vả để hạn chế rủi ro. Đẩy lùi dịch bệnh, không cứ là ai, Tổ trưởng dân phố, dân phòng, phụ nữ, đoàn viên thanh niên hay là văn nghệ sĩ.

Sáng nay, tôi gọi điện cho Vũ Trần - một đạo diễn, diễn viên của Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần (TP.HCM). Vũ đang đi giao thực phẩm, cuộc trò chuyện của chúng tôi thi thoảng phải dừng lại vì Vũ không tìm thấy đường nào để đi. Mới đến Tô Ngọc Vân (Thủ Đức) rẽ ngả nào cũng thấy chăng dây, thành ra vất vả lộn đi lộn lại. Vũ bảo: “Tôi làm việc này cũng phải hơn tháng nay rồi. Mình cùng các bạn dựng nên một bếp nhỏ, hàng ngày nấu cơm rồi mang tới các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly.

Đây cũng là nơi gom thực phẩm, rau xanh từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, điều phối và chia đến các bếp khác trong thành phố”. Ngày nào không có “Mạnh Thường Quân” ủng hộ thì Vũ tự lấy kinh phí từ quỹ ra mua thực phẩm. Quỹ này chủ yếu do bạn bè, người thân và gia đình Vũ ủng hộ và xây dựng nên. Ngoài việc điều phối, giao thực phẩm cho các bếp ăn, buổi chiều còn qua bếp của NSƯT Hữu Quốc lấy khoảng 600-1.200 phần cơm mang tới các bệnh viện trong thành phố.

Hồi đầu, mới tham gia các công việc thiện nguyện, Vũ Trần không dám về nhà, sợ nhỡ có bề gì thì liên lụy đến ba mẹ già. Nói qua điện thoại, Vũ cười vang: “Khu nhà tôi mới dỡ cách ly được hơn 1 tuần nay. Giờ ba mẹ cũng chung tay phụ giúp việc thiện nguyện mùa dịch”. Quanh khu nhà Vũ giờ có nhiều bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, được ra viện và về tiếp tục cách ly tại nhà.

Họ không thể ra ngoài mua đồ được nên ba mẹ Vũ mang thực phẩm đến từng nhà, hoặc là giúp họ đi chợ. Hỏi có mệt không, lại thấy tiếng cười: “Tôi và các bạn của mình vẫn đang làm mọi việc trong khả năng cho phép. Tôi cũng đã phải vượt qua nỗi sợ của bản thân để hành động tích cực vì cộng đồng. Nguyện cầu những điều tốt đẹp nhất cho Sài Gòn, cho cả Việt Nam”.

Mỗi ngày của Vũ bắt đầu từ sáng sớm ở quận 7, qua quận 8, đến quận 10 lấy thịt gà. Sang quận 12 lấy rau rồi đi bỏ rau, bỏ thịt cho các bếp ở Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, Xa lộ Hà Nội rồi lại về Bình Tân lấy rau tiếp. Có ngày, Vũ Trần cũng những người bạn chỉ đi quanh Sài Gòn thôi mà cũng phải hơn 100km. Cùng với Vũ, còn có nhiều diễn viên, nhân viên của Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần tham gia thiện nguyện mùa dịch, đó là NSƯT Hữu Quốc, diễn viên Khánh Đăng, Võ Ngọc Tân, Võ Ngọc Tiến với bếp “Chia sẻ yêu thương”. Ngay tại 5B Võ Văn Tần là diễn viên Hồng Đào mở bếp “Thương Sài Gòn”. Tất cả không phân biệt nghề nghiệp, tuổi tác để cùng đoàn kết, chung tay vượt qua thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh.

Hình ảnh những con phố dài hun hút không bóng người qua lại mang đến cho chúng ta một cảm giác xót xa, trống vắng và mất mát. Nhưng trong hoạn nạn chúng ta càng thấm thía hơn sự chia sẻ ấm áp tình người. Những người như NSƯT Hữu Quốc, đạo diễn, diễn viên Vũ Trần và những người bạn của anh, những người như bác Tổ trưởng tổ dân phố, Hội phụ nữ phường tôi ở, họ thay vì “ngồi yên là yêu nước” thì đã hành động vì nghĩa đồng bào. Đó còn là sự trả lời giản đơn cho câu hỏi: “Nếu tôi không làm thì ai làm?”