“Làn sóng” hạ lãi suất

ANTĐ - Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ trần lãi suất huy động nhỏ giọt từ 14% xuống 13%/năm, biểu đồ lãi suất huy động đã “tuột dốc” không phanh từ 13% xuống 11%, rồi 8% và mới đây cả ba ngân hàng lớn đã liên tục gây sốc khi đột ngột hạ lãi suất huy động VND từ mức 7,5% xuống còn 6%/năm. Việc hạ lãi suất là tín hiệu đáng mừng, song liệu doanh nghiệp có thực được hưởng lợi và quyền lợi người gửi tiền sẽ ra sao?

Các chuyên gia cho rằng, ngân hàng đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi có vốn vay vào mà không “bơm” ra nổi. Chỉ còn một lối thoát duy nhất là hạ lãi suất cho vay hoặc cho vay tín chấp. Tuy nhiên, tại một hội thảo về ngân hàng mới đây, Viện phó Viện Nghiên cứu ngân hàng cho biết, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp, dù lãi suất hạ xuống 0% thì doanh nghiệp cũng khó vay. Hạ lãi suất huy động sẽ là “mũi tên” trúng nhiều đích. Kích thích các thành phần kinh tế và người dân tiêu dùng nhiều hơn, qua đó giải quyết hàng tồn kho, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh; đồng thời lãi suất huy động giảm là trực tiếp giảm chi phí huy động, tạo tiền đề để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp. Có ngân hàng còn tuyên bố, động thái giảm lãi suất huy động là để “bồi dưỡng” sức khỏe cho doanh nghiệp. Dưới góc độ của giới chuyên gia ngân hàng, việc giảm lãi suất là không thể đặng đừng và là xu hướng tất yếu bởi vì hiện nay vốn huy động tăng nhanh, trong khi cho vay khá chậm.

Trong bối cảnh này, cần phải hạ chuẩn vay vốn cũng như xem xét đẩy mạnh cho vay tín chấp sẽ là lối thoát cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có kiểm toán tài chính độc lập, minh bạch sử dụng nguồn vay thì có thể cho vay tín chấp. Hiện tại rất ít ngân hàng cho vay hình thức này vì sợ trách nhiệm. Lãnh đạo một số ngân hàng lớn cũng cho rằng, lãi suất không phải là khó khăn với một số doanh nghiệp. Chính những doanh nghiệp yếu kém, làm ăn thua lỗ mới là những người kêu ca nhiều nhất về lãi suất. Khi đầu ra không có, dù hạ lãi suất cho vay xuống 0% thì vẫn còn… cao, họ cũng không vay nổi. Càng vay càng “chết” thêm vì không trả được khoản gốc do hệ quả của một thời kỳ làm ăn chộp giật. Chính vì vậy, không chỉ một số chuyên gia mà cả chủ tịch một vài ngân hàng đồng tình rằng, hạ lãi suất nên vừa phải để có thể “bảo vệ” người gửi tiền, thay vì cố gắng cứu doanh nghiệp thực sự làm ăn yếu kém. Các ngân hàng đang trong tình trạng khó khăn, không có kênh đầu tư thay thế, người gửi tiền cũng không có sự lựa chọn. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng huy động được khoảng 160.000 tỷ đồng, số tiền này chỉ cho vay được khoảng 30.000 tỷ đồng, còn lại đổ vào trái phiếu Chính phủ, phần còn lại chưa cho vay được.

Trước “làn sóng” hạ lãi suất, vấn đề người gửi tiền bị thiệt không chỉ là nỗi lo của người gửi mà còn là mối quan ngại của không ít chuyên gia kinh tế tài chính. Nếu kéo dài mức lãi suất huy động thấp sẽ khiến người dân chuyển sang găm giữ ngoại tệ thay vì tiền đồng. Đây là một vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước không thể bỏ qua.