“Làn sóng” dịch Covid-19 tiếp tục tấn công châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Châu Âu tưởng chừng đã kiểm soát được đại dịch Covid-19. Thế nhưng, “làn sóng” dịch tiếp tục tấn công lục địa này. Tính đến ngày 30-11, theo thống kê của Worldometers, xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với gần 17,1 triệu người mắc Covid-19, trong đó có gần 390 nghìn ca tử vong.

“Làn sóng” dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tấn công các quốc gia châu Âu

“Làn sóng” dịch bệnh Covid-19 tiếp tục tấn công các quốc gia châu Âu

Mở biên giới vội vàng, kiểm soát lỏng lẻo

Mùa hè vừa qua, châu Âu dường như đã kiểm soát được dịch Covid-19. Thậm chí, nhiều quốc gia trở thành hình mẫu chống dịch tiêu biểu. Các nhà chức trách nhanh chóng cho phép người dân tự do đi lại giữa các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, sự vội vàng này đã khiến châu Âu nhanh chóng nhận “quả đắng” Covid-19.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học từ Thụy Sỹ và Tây Ban Nha, “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ hai tại châu Âu chủ yếu bắt nguồn từ ổ dịch liên quan đến những nông dân sống trong điều kiện nghèo nàn ở các vùng

Catalonia và Aragon của Tây Ban Nha. Nơi đây có khoảng 40.000 lao động nhập cư thường đổ về thu hoạch hoa quả vào mùa hè, chủ yếu đến từ châu Phi hoặc Đông Âu. Trong khi đó, thay vì xét nghiệm trực tiếp tại sân bay hoặc cách ly bắt buộc, giới chức châu Âu chỉ dựa vào hệ thống y tế địa phương để ngăn dịch bùng phát. Thế nhưng, trên thực tế chúng vẫn chưa được hoàn thiện. Một số vùng ở Tây Ban Nha, bao gồm Aragon, thiếu nhân lực truy vết các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, các bãi biển ở Tây Ban Nha, nhà hàng, quán bar tại nhiều nước châu Âu vẫn nườm nượp khách, các quy tắc giãn cách xã hội được thực hiện rất lỏng lẻo.

Sự chủ quan đó đã khiến Covid-19 nhanh chóng lan sang các thành phố lân cận và trên khắp xứ sở bò tót. Các quốc gia châu Âu vội vàng áp đặt lại lệnh hạn chế để đối phó với “làn sóng” lây nhiễm thứ hai, song hàng triệu cư dân đã kịp di chuyển quanh châu lục này để thư giãn sau một thời gian dài bị “nhốt” trong nhà.

Theo cơ quan thống kê quốc gia của Tây Ban Nha, từ tháng 6 đến 8-2020, quốc gia này đón 5,1 triệu du khách ngoại quốc, trong đó 643.000 người đến từ Anh. Và mặc dù đã áp đặt lệnh cách ly 14 ngày đối với du khách trở về từ xứ sở bò tót, dịch bệnh vẫn lan rộng ở nước Anh. Trên bờ biển Croatia cùng các hòn đảo của Hy Lạp và Italia, khách du lịch đã mang các ca nhiễm đầu tiên đến những nơi trước đó chưa ghi nhận trường hợp dương tính Covid-19 nào.

Khẩn trương chống dịch mùa lễ hội

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm và mùa lễ hội quan trọng nhất trong năm là Lễ Giáng sinh và năm mới đến rất gần, Chính phủ các nước châu Âu đang phải đưa ra quyết định khó khăn về việc có nên nới lỏng các hạn chế trong thời gian nghỉ lễ, hay thắt chặt hơn nữa để chống dịch bệnh.

Chính quyền Italia quyết định không mở chợ Giáng sinh và áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte nói với người dân của mình rằng, hãy mong đợi một “Giáng sinh tỉnh táo hơn, không có những cuộc tụ họp, ôm và hôn trong đêm Giáng sinh”. Các nhà thờ vẫn mở cửa tự do, nhưng lệnh giới nghiêm 22h trên toàn quốc được áp dụng, đồng nghĩa thánh lễ truyền thống lúc nửa đêm có thể sẽ không diễn ra. Pháp đóng cửa toàn bộ các khu nghỉ mát trượt tuyết cực kỳ nổi tiếng trong mùa lễ hội, bất chấp thiệt hại nặng nề về doanh thu du lịch và tình trạng mất việc làm.

Anh có thể sẽ trở thành nước phương Tây đầu tiên cho phép tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vào ngày 7-12, khi cơ quan kiểm định độc lập của nước này cấp phép tiêm vaccine trong vài ngày tới.

Tại Thủ đô Mátxcơva (Nga), các quan chức công bố các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài đến ngày 15-1. Các lệnh này bao gồm đóng cửa sớm đối với các nhà hàng, quán cafe và giới hạn 25% công suất tại các rạp chiếu phim, nhà hát. Người dân trên 65 tuổi và những người thuộc nhóm nguy cơ cao phải tự cách ly cho đến ngày 15-1. Chính phủ Ba Lan chỉ cho phép giới hạn số khách được mời đến dự các buổi lễ cuối năm mỗi lần tối đa 5 người.

Số ca tử vong do Covid-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng cao

Bất chấp các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Tayip Erdogan nhằm ngăn chặn “làn sóng” thứ hai của dịch Covid-19, số ca mắc mới ở Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tăng, đặc biệt ngày 29-11 nước này ghi nhận số ca tử vong cao chưa từng thấy và đây là ngày gia thứ 7 liên tiếp số ca tử vong tăng. Hồi tuần trước, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường các biện pháp phòng dịch Covid-19, bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm vào cuối tuần, hạn chế sự di chuyển của những người không trong độ tuổi lao động, đóng cửa các trường học và chuyển sang hình thức học trực tuyến, hạn chế hoạt động của các nhà hàng và các quán cafe.

Tuy nhiên, những động thái này dường như vẫn chưa đủ. Ngày 29-11, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 185 ca tử vong do Covid-19, cao hơn tới 45% so với mức đỉnh điểm trong làn sóng đầu tiên của dịch bệnh hồi tháng 4 vừa qua. Trong khi đó, số ca nhiễm mới là hơn 29.000 trường hợp, chỉ sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil - những nước đều có quy mô dân số lớn hơn nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Erdogan cho rằng, nguyên nhân chính khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nước này là do người dân không nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng dịch.

Ông Erdogan nhấn mạnh: “Khẩu trang và giãn cách xã hội là những yếu tố rất quan trọng, giữ gìn vệ sinh cũng rất quan trọng trong công tác phòng dịch. Nếu những điều này không được lưu ý, đặc biệt là tại các thành phố lớn, sự lây lan của virus gia tăng sẽ là điều không thể tránh khỏi”.

Đức: Thủ hiến bang North-Rhine Westphalia cho biết Đức sẽ đưa ra quyết định về việc có dỡ bỏ lệnh hạn chế phòng, chống đại dịch Covid-19 vào đầu tháng 1-2021 tới. Bên cạnh đó, ông cũng hối thúc người dân tuân thủ biện pháp rửa tay và giãn cách xã hội nhằm làm giảm tỷ lệ lây nhiễm. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí với lãnh đạo của 16 bang về việc gia hạn và siết chặt các biện pháp phòng dịch cho đến ít nhất ngày 20-12 và có thể kéo dài sáng tháng 1-2021. Bộ trưởng Kinh tế Đức cho rằng, các biện pháp phòng, chống dịch có thể kéo dài sang tháng 1 nếu chưa thể kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.