“Lần sau, cẩn thận hơn!”

ANTĐ - Trưa nay, tôi đi thi về. Cả nhà đang ngồi trước mâm cơm, chờ tôi. Trông mâm cơm hấp dẫn, ngon lành, có đậu rán, rau muống luộc, thịt rim lại có cả canh cua nấu với mướp, rau đay, mùng tơi. Gạch cua nổi lên vàng óng. Canh cua, món này, cả nhà tôi rất thích, nhất là những ngày thời tiết nóng.

Sắp ăn, bỗng có tiếng kêu: “Con sâu. Ôi con sâu”. Mọi người ngơ ngác. Chị tôi gắp từ bát canh cua lên một lá rau mùng tơi. Trong lòng lá, một con sâu nằm cuộn tròn, chết cứng. Anh tôi vốn dễ tính, cười tươi:

- Gắp vứt đi. Ăn được tuốt.

Rồi anh nói tiếp, giọng sôi nổi, hào hứng, thao thao bất tuyệt như đang diễn thuyết giữa đám đông:

- Từ xưa đến giờ, ông cha ta và ngay cả chúng ta đã ăn bao nhiêu loài vật nào: gà, vịt, ngan, ngỗng, trâu, bò, chó, lợn, hươu nai, ngựa, rắn... giờ thì ăn cả thịt chuột, thịt mèo... có sao đâu? Lại còn khen ngon và bổ nữa chứ. Lại còn bảo đó là món đặc sản tuyệt vời. Vậy thì con sâu chỉ là một sinh vật bé nhỏ. Việc gì mà khiếp hãi? Việc gì mà kinh hoàng? Nấu chín là ăn được tuốt.

Tôi định bảo: Anh nói thế có nghĩa là con giòi cũng ăn được chứ? Vì nó cũng là một sinh vật bé nhỏ. Nhưng tôi không nói.

Mẹ tôi lên tiếng: “Thôi, đổ đi. Đừng tiếc. Khuất mắt trông coi. Bây giờ cả nhà nhìn thấy rồi, ăn có cảm giác kinh, cảm giác ghê, ngộ nhỡ đau bụng, sinh bệnh. Lần sau, cẩn thận hơn.

Chị tôi bê nồi canh đi đổ, cũng tiếc! Đúng là “Con sâu làm rầu nồi canh”. Đó là nghĩa đen. Còn nghĩa bóng sâu sắc hơn vì bát canh đổ đi giúp tôi bài học làm việc gì cũng phải cẩn thận.