“Lằn ranh đỏ” an ninh Nga - NATO

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù cả hai bên còn để ngỏ khả năng đàm phán song Nga và Mỹ rất khó tìm tiếng nói chung trong vấn đề mở rộng NATO mà trực tiếp là vấn đề Ukraine khi liên minh quân sự này cứ lăm le “Đông tiến” trong khi Matxcơva đã vạch ra “lằn ranh đỏ” an ninh là NATO không được kết nạp thêm Ukraine cũng như quốc gia ở Bắc Âu để áp sát biên giới nước Nga.
Còn sự khác biệt và vênh nhau quá lớn trong lập trường của Nga và Mỹ tại cuộc đàm phán ở Geneva về vấn đề an ninh với trọng tâm là mở rộng NATO

Còn sự khác biệt và vênh nhau quá lớn trong lập trường của Nga và Mỹ tại cuộc đàm phán ở Geneva về vấn đề an ninh với trọng tâm là mở rộng NATO

“Vênh” an ninh quá lớn giữa Nga và Mỹ

Cuộc đàm phán Nga - Mỹ về các vấn đề an ninh diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 10-1 không chỉ được dư luận hai nước mà thế giới quan tâm sâu sắc khi mà quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới cũng như giữa Nga với phương Tây nói chung đang “căng như dây đàn”. Nội dung trọng tâm của cuộc đàm phán là các đề xuất về an ninh của Nga đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ, đặc biệt là các điều khoản về việc cùng nhau không triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn tại khu vực châu Âu, không mở rộng NATO về phía Đông và giảm các cuộc tập trận quân sự.

Dù cả Nga và Mỹ không trực tiếp nhắc tới từ “thất bại” sau cuộc đàm phán diễn ra một ngày nhưng khó có thể nói dùng từ nào khác để đánh giá chính xác hơn về cuộc đàm phán an ninh được trông đợi giữa hai bên. Phát biểu tại buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc hội đàm Nga-Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov bằng ngôn ngữ được cho là ngoại giao cũng phải thừa nhận rằng, hai bên còn “rất vênh” nhau trong một loạt vấn đề.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng công khai phản đối những đề xuất an ninh mà Nga đưa ra tại cuộc đàm phán. Quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho rằng, những đề xuất này “không có triển vọng thành công” và không cho phép ai ngăn cản chính sách mở cửa của NATO. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ còn cảnh báo, Nga đối mặt hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2014 khi Matxcơva sáp nhập bán đảo Crimea nếu tấn công Ukraine.

Tuy nhiên, trong động thái được cho là không muốn đóng chặt cánh cửa đàm phán, hai bên cũng đưa ra nhận định mang tính tích cực. Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết, mặc dù hai bên còn “rất vênh” nhau trong một loạt vấn đề, song phía Mỹ tỏ ra rất coi trọng các đề xuất của Matxcơva về đảm bảo an ninh và tiến hành nghiên cứu sâu về những đề xuất này. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng, Washington và Matxcơva đã hiểu rõ hơn về các mối quan tâm và ưu tiên của nhau sau cuộc đàm phán.

Cuộc đàm phán an ninh giữa Nga và Mỹ tại Geneva trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Mỹ nói riêng, quan hệ Nga-phương Tây nói chung đang xuống tới mức thấp nhất kể từ thời đối đầu căng thẳng trong chiến tranh lạnh. Trong đó, căng thẳng nhất là “điểm nóng” cuộc khủng hoảng Ukraine khi cả hai phía Nga và Ukraine đều đang có những động thái điều số lượng lớn binh sĩ cùng trang thiết bị vũ khí tới khu vực biên giới của nhau. Giới chức quân sự Mỹ và phương Tây cho rằng, Nga đã triển khai hơn 100 nghìn quân dọc biên giới với Ukraine cùng một số lượng lớn vũ khí, khí tài hạng nặng và số lượng này lớn hơn so với năm 2014.

Giới chức quân sự Mỹ và phương Tây không nói thẳng vì sao so sánh số lượng quân Nga triển khai tới biên giới với Ukraine hiện nay so với năm 2014, nhưng ai cũng biết rằng họ có ẩn ý cảnh báo gì khi đó là năm Matxcơva tiến hành một chiến dịch chớp nhoáng sáp nhập bán đảo Crimea lúc đó thuộc Ukraine vào lãnh thổ nước Nga.

Hành động quyết liệt sáp nhập Crimea năm 2014 được cho là sự cảnh báo, răn đe đầy mạnh mẽ của Nga nhằm chặn đứng chiến lược “Đông tiến” của NATO. Nước Nga trước đó đã tuyên bố Ukraine là “lằn ranh đỏ” mà NATO do Mỹ không được phép vượt qua và Matxcơva sẽ làm mọi thứ ngăn chặn liên minh quân sự này áp sát, đe dọa trực tiếp an ninh của Nga.

NATO dừng lại hay vượt “lằn ranh đỏ”?

NATO do Mỹ đứng đầu và Tổ chức Hiệp ước Vacsava do Liên Xô cũ đứng đầu ra đời trong thời kỳ chiến tranh lạnh như là hai đối thủ và đối trọng của nhau. Sự cân bằng chiến lược mà hai liên minh quân sự - chính trị này duy trì suốt mấy thập kỷ cũng là nhân tố quyết định để duy trì an ninh và ổn định tại không chỉ châu Âu mà trên toàn cầu.

Tuy nhiên, sau khi Tổ chức Hiệp ước Vacsava giải thể cùng với đó là sự tan vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô cũ, NATO không những không giải thể khi không còn lý do để tồn tại, trái lại còn tiếp tục mở rộng về phía Đông. NATO do Mỹ cầm đầu thực thi chiến lược “Đông tiến” đưa lực lượng của liên minh quân sự này áp sát biên giới nước Nga, quốc gia kế thừa Liên Xô cũ.

NATO từ năm 2014 chính thức thực thi chiến lược “Đông tiến” bằng Chương trình mang tên “Đối tác vì hòa bình” hợp tác với các nước Đông Âu và Liên Xô trước đây. Theo chương trình mang tên “hòa bình” nhưng Matxcơva cho là sự đe dọa nghiêm trọng tới cân bằng chiến lược ở châu Âu cũng như an ninh của nước Nga này, lần lượt các nước Đông Âu như Ba Lan, CH Czech,

Hungary, Bulgaria, Romania, rồi các nước vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây như Estonia, Latvia và Litva chính thức gia nhập NATO. Chưa dừng ở đó, đến Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Romania, NATO còn tiến thêm một bước nữa về phía Đông, đưa biên giới của liên minh quân sự này áp sát nước Nga khi lên kế hoạch tiếp nhận Ukraine và Gruzia thành thành viên của liên minh này.

Những năm qua, Nga đã làm tất cả những điều có thể làm để ngăn chặn chiến lược “Đông tiến” của NATO. Mới đây nhất, hạ tuần tháng 12-2021, Nga đã công bố đề xuất Hiệp ước an ninh mới với NATO gồm 8 điểm với một loạt yêu cầu liên quan đến vấn đề an ninh. Nổi bật nhất là yêu cầu NATO cam kết “tự kiềm chế không mở rộng về phía Đông, bao gồm kết nạp Ukraine và các nước khác”, không triển khai quân đến các quốc gia chưa từng có lực lượng NATO hiện diện trước năm 1997 như Ba Lan, Hungary, CH Czech, các nước Baltic thuộc Liên Xô trước đây. Nga cũng thúc giục Mỹ loại bỏ vũ khí hạt nhân ở châu Âu, tham vấn trước khi tổ chức các cuộc tập trận ở khu vực sát biên giới Nga…

Nói về bản dự thảo Hiệp ước an ninh 8 điểm, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27-12-2021 một lần nữa khẳng định, việc NATO kết nạp Ukraine hoặc triển khai vũ khí đến nước này là “lằn ranh đỏ” mà Matxcơva sẽ “không bao giờ cho phép phương Tây vượt qua bởi nó là mối đe dọa quá lớn tới an ninh quốc gia Nga”. Ông nhấn mạnh, nước Nga “không còn đường lui” bởi từ đó NATO có thể “triển khai tên lửa bắn tới Matxcơva chỉ sau 4-5 phút” và đó là “lằn ranh cuối cùng mà họ không thể vượt qua được nữa”.

Những gì diễn ra tại cuộc đàm phán an ninh ở Geneva ngày 10-1 cho thấy, NATO đến nay vẫn không từ bỏ chiến lược “Đông tiến” với ưu tiên hàng đầu là kết nạp Ukraine. Liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu này vẫn muốn đưa biên giới của mình áp sát nước Nga bất chấp “lằn ranh đỏ” mà Matxcơva đặt ra cũng như điều mà Tổng thống Putin tuyên bố rằng Nga phải áp dụng “mọi biện pháp quân sự-kỹ thuật” để chống lại.

NATO sẽ dừng lại trước “lằn ranh đỏ” hay vượt qua giới hạn cuối cùng mà Nga đặt ra? Điều này sẽ quyết định tới hòa bình và an ninh không chỉ ở châu Âu mà trên toàn cầu trong tương lai.